Cổng giao dịch doanh nghiệp TPHCM

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Cổng giao dịch doanh nghiệp (GDDN) là “nền” trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có kênh mới để giới thiệu sản phẩm và thực hiện các giao dịch với nhau. Thế nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia là vấn đề rất khó vì các doanh nghiệp tỏ ra không “mặn mà” với kênh giao dịch mới này.

  • DN chưa hưởng ứng

Cổng giao dịch doanh nghiệp (DN) có nhiều cái lợi: thêm kênh mới để DN giao dịch với nhau; cung cấp thông tin cho DN; giúp DN tự giới thiệu và xây dựng catalogue sản phẩm; kết nối với cổng TMĐT quốc gia, kết nối ra quốc tế… Triển khai chủ trương và chỉ đạo của thành phố trong mục tiêu thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN TPHCM và khu vực phía Nam, việc triển khai xây dựng cổng GDDN đã được thực thi đồng bộ trong năm 2005.

Doanh nghiệp chưa mặn mà ảnh 1

Cổng GDDN TPHCM.

Việc xây dựng hạ tầng giao dịch được giao cho Sở Bưu chính Viễn thông (BCVT) với sự tham gia của các sở ngành khác trong lĩnh vực liên quan.

Các bước chuẩn bị cho việc khai trương cổng GDDT đã được Sở BCVT tiến hành trong năm 2005. Trang web www.hcmcportal.com.vn được thành lập. Trong năm 2005, Sở BCVT tổ chức 2 buổi hội thảo giới thiệu cho doanh nghiệp và các hiệp hội thành phố; tổ chức 4 lớp đào tạo cho hơn 50 lượt doanh nghiệp trong 5 ngành nghề thử nghiệm.

Hiện Sở BCVT đang tiến hành chạy thử nghiệm cổng GDDN với 1.500 DN tham gia với 500 sản phẩm. “Trong năm nay chúng tôi sẽ chính thức khai trương cổng GDDN, mục tiêu là cung cấp thông tin cho hơn 10.000 DN và hỗ trợ 2.000 DN giao dịch có hiệu quả” - ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BCVT TPHCM cho biết.

Theo ông Hà, hiện nay đa số DN chưa có thói quen giao dịch qua mạng, hệ thống thanh toán qua ngân hàng cũng chưa được phổ biến. Năm 2006 sẽ phải đẩy mạnh thêm việc tập huấn hướng dẫn DN tham gia, nâng cao năng lực quản lý của các DN để đẩy mạnh việc phát triển kênh giao dịch mới này.

  • Quảng bá...

Vấn đề “nhức đầu” nhất của cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy các DN tham gia vào cổng GDDN là làm sao để DN tham gia, đưa thông tin lên mạng và tìm hiểu thông tin của các DN khác để xem xét khả năng thực hiện giao dịch. Để cổng GDDN hoạt động hiệu quả không thể chỉ vận động các DN tham gia theo kiểu cho có.

“Phải tiến hành song song cả hai hình thức: nâng cao chất lượng thông tin của cổng GDDN và giới thiệu được cổng GDDN, để các DN đưa địa chỉ trang web của cổng vào danh mục truy cập thông tin cần thiết. Ngoài các hoạt động tập huấn, giới thiệu cổng GDDN với DN, chúng tôi xem xét đến việc xúc tiến quảng bá, tuyên truyền về TMĐT và giao dịch qua mạng”, ông Hà nói về kế hoạch phát triển “chợ” giao dịch trên mạng.

Trước mắt, dù chưa được khai trương nhưng rõ ràng việc phát triển được cổng GDDN sao cho hiệu quả, không uổng phí hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước đầu tư vào xây dựng cổng GDDN là cả một vấn đề. Có lẽ, bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy DN, cần có những giải pháp đồng bộ và sáng tạo hơn. 

Minh Tú

Tin cùng chuyên mục