Doanh nghiệp hại nông dân

Kiểu làm ăn chụp giựt, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh không dừng lại ở việc mua bán nhỏ lẻ trong nước mà còn xảy ra trong các hợp đồng, giao dịch với đối tác nước ngoài, lại ngay trên các ngành hàng chủ lực của quốc gia. Tác hại của cung cách làm ăn này gây ảnh hưởng nặng nề đến hàng triệu nông dân.

Kiểu làm ăn chụp giựt, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh không dừng lại ở việc mua bán nhỏ lẻ trong nước mà còn xảy ra trong các hợp đồng, giao dịch với đối tác nước ngoài, lại ngay trên các ngành hàng chủ lực của quốc gia. Tác hại của cung cách làm ăn này gây ảnh hưởng nặng nề đến hàng triệu nông dân.

        Đấu trộn gạo

Đối với mặt hàng lúa gạo, nhiều năm qua cách làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” đã gây ra nhiều tai hại. Dù ở vị trí nước xuất khẩu gạo thứ 2 toàn cầu nhưng giá gạo của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. Áp lực tồn kho lớn dẫn đến nhu cầu giải phóng hàng cao nên xảy ra tình trạng “xé rào” chào bán giá thấp. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận: “Đối với mặt hàng gạo, khó khăn ở gạo cấp thấp. Còn gạo thơm, chất lượng cao vẫn ổn nếu mình làm tốt. Do đó, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn là rất cần thiết. Các địa phương đề nghị nhiều lần phải hình thành vùng nguyên liệu bắt buộc cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng đến nay vẫn chưa được”. Đồng quan điểm, ông Phạm Kiêm Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, chúng ta xuất khẩu gạo nhưng không có thương hiệu. Tình trạng trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp vào gạo chất lượng cao với tỷ lệ rất lớn rất phổ biến. Vì thế việc giảm chất lượng, uy tín là không thể tránh khỏi… Nhất thiết Việt Nam phải xây dựng thương hiệu gạo, làm ăn căn cơ, bài bản hơn”… Về tình trạng này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, từng khẳng định: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất “chảnh”, chơi trò ú tim với nông dân trồng lúa, nhất là lúa phẩm cấp thấp (IR50404). Vì khi xuất được thì mua nhiều về trộn với gạo chất lượng cao, bán với giá cao. Còn khi không xuất được thì không thèm mua, đổ thừa hết cho nông dân.

        “Phá giá” cá

Đau đầu với vấn đề này, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), bức xúc: “Tình trạng chất tăng trọng, bơm nước vào cá nguyên liệu, sản phẩm phi lê hiện nay đáng báo động. Các ngành chức năng kiểm tra ngay các lô hàng bất thường với giá dưới 2 USD/kg sẽ biết ngay, trong khi các lô hàng khác bán tới giá 3,1 - 3,2 USD/kg, thậm chí 3,6 USD/kg”. Quan tâm đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex, nhìn nhận: “Sự tăng trưởng nóng của ngành cá tra những năm qua đã xảy ra tình trạng dư thừa rất lớn. Sản lượng cá tra tăng 10 lần trong vòng 10 năm, từ 120.000 tấn năm 2002 đến gần 1,3 triệu tấn vào năm 2012. Trong khi đó, số lượng nhà máy cũng tăng đột biến. Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ra đời. Cả đồng bằng hiện có 70 nhà máy, nhưng có hơn 400 - 500 đơn vị xuất khẩu và 300 - 400 nhà nhập khẩu. Vì thế, làm sao không xảy ra chuyện tranh mua - tranh bán, hạ giá? Hậu quả, ngành cá tra đang lâm vào khủng hoảng, giá xuất khẩu hạ thấp nhất từ trước đến nay. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phá sản. Thiệt thòi nhất vẫn là người nuôi cá, vì giá bán dưới giá thành từ 1.000 - 4.000 đồng/kg…

        Bao giờ liên kết?

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Huỳnh Minh Đoàn nhìn nhận: “Việc cạnh tranh không lành mạnh thời gian qua thể hiện đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp chúng ta chưa tốt, cần phải sớm chấm dứt. Cung cách làm ăn như thế thì chính doanh nghiệp đã gây hại cho nông dân…”.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tiềm năng xuất khẩu thủy sản đang lớn hơn lúa gạo và thời gian tới sẽ còn tăng. Tuy nhiên, khó khăn là do việc gia tăng diện tích và sản lượng (mặt hàng cá tra) khiến giá đầu vào (thức ăn) tăng cao, trong khi giá xuất khẩu lại giảm, mặt khác, hệ thống thông tin trong toàn ngành chưa được thực hiện, các doanh nghiệp chỉ có thông tin nội bộ của chính mình dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông Dũng, với tình hình xuất khẩu như hiện nay chưa thể giúp ĐBSCL làm giàu, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải bàn: về tiềm năng của vùng; về vị trí địa lý - kinh tế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; về tái cấu trúc, môi trường đầu tư… Theo đó, cần có chiến lược đảm bảo sự phát triển lâu dài, ổn định; đảm bảo an ninh lương thực, đời sống và lợi ích của nông dân; cải thiện để nâng cao chất lượng, xây dựng và quảng bá hình ảnh lúa gạo, thủy sản; tiếp cận và lựa chọn thị trường chiến lược cho ngành nông - thủy sản; quan tâm nhiều hơn đến sự thay đổi khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP.

Nông dân đòi nợ bán cá tra

Cả tuần nay, hàng chục nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL đã kéo đến đòi nợ Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (gọi tắt là Công ty Sông Hậu). Trong đơn “kêu cứu” gởi các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ, 19 hộ dân phản ánh: “Công ty Sông Hậu, tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ thiếu chúng tôi từ 2 - 3 tháng qua gần 40 tỷ đồng tiền mua cá tra nhưng không trả đúng như cam kết”. Ngày 30-9, bà Đặng Thụy Tường (một chủ nợ) phản ánh: Có 43 người nuôi cá bị Công ty Sông Hậu nợ gần 60 tỷ đồng, trong đó có 19 người gởi đơn đến cơ quan chức năng. 5 người trong hội đồng quản trị công ty cùng ký cam kết với sở KHĐT TP Cần Thơ và bà con nuôi cá là đến ngày 15-9 sẽ thanh toán 20% tiền nợ. Phần còn lại, công ty thanh toán làm nhiều đợt, chậm nhất đến Tết nguyên đán phải dứt điểm. Thế nhưng, đến ngày 28-9, công ty chỉ trả được 5% số nợ và tuyên bố hết khả năng”.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục