Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa gửi đến các ĐBQH một bản kiến nghị, tập hợp các ý kiến từ một cuộc hội thảo do ủy ban tổ chức về tình hình kinh tế vĩ mô. Bản kiến nghị đã đưa ra những đề xuất rất mạnh mẽ liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, như bãi bỏ nhiều ưu đãi, đặc quyền, kiên quyết không khoanh nợ, giãn nợ, chấm dứt kinh doanh tay trái…
Theo đó, các đại diện tham dự hội thảo cho rằng, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại nhiều vấn đề, có thể tác động xấu đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Đơn cử, nếu trừ đi dầu thô, than và khoáng sản thì doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra khoảng 15%-20% tổng trị giá xuất khẩu, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu lại khá lớn, góp phần đáng kể gây thâm hụt cán cân vãng lai của nền kinh tế.
Để tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, việc đầu tiên là phải thay đổi quan điểm về vai trò then chốt của khu vực này; đẩy nhanh quá trình tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các bộ, UBND cấp tỉnh, tiến tới thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, tập trung và thống nhất; xóa bỏ những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước về tiếp cận các nguồn tín dụng, quyền kinh doanh, tài nguyên thiên nhiên, đất đai…
Cuối cùng, nhưng là nhiệm vụ được đặc biệt nhấn mạnh, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh hơn nữa, để nhanh chóng giảm sự tham gia của nhà nước. Cần thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược ở khu vực tư nhân và nước ngoài góp vốn vào các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước…
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các bộ, ngành và địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công trong năm 2012 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng số tiền lên tới 300 tỷ USD. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện tại chỉ vào khoảng 105 tỷ USD/năm.
A.THƯ
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình): Đánh giá toàn diện các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị khẩn trương đánh giá, rà soát lại một cách toàn diện các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước thua lỗ để kịp thời xử lý vốn, tài sản, nợ của DN để có biện pháp xử lý theo hướng các DN phải tập trung vào kinh doanh các ngành nghề chính. Bên cạnh đó nghiên cứu chuyển một số tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả sang dạng cổ phần hoặc tư nhân. Đồng thời đề nghị Chính phủ giảm thiểu tối đa bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước. Q.MINH |