Nhân lực công nghệ thông tin

Doanh nghiệp - nhà trường, cần bắt tay nhau

Theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp phần mềm, các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) mới tốt nghiệp đều hạn chế về kỹ năng thực tế và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, khi tuyển dụng đội ngũ này, hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 3 tháng đến 1 năm. Phản hồi từ các trường đại học, họ không thể đáp ứng được hết nhu cầu của từng doanh nghiệp. Các đơn vị muốn tuyển dụng nhân lực nên có kế hoạch dài hơi với cơ sở đào tạo để thu hẹp “khoảng cách” giữa chương trình và thực tế.
Doanh nghiệp - nhà trường, cần bắt tay nhau

Theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp phần mềm, các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) mới tốt nghiệp đều hạn chế về kỹ năng thực tế và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, khi tuyển dụng đội ngũ này, hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 3 tháng đến 1 năm. Phản hồi từ các trường đại học, họ không thể đáp ứng được hết nhu cầu của từng doanh nghiệp. Các đơn vị muốn tuyển dụng nhân lực nên có kế hoạch dài hơi với cơ sở đào tạo để thu hẹp “khoảng cách” giữa chương trình và thực tế.

  • Học không đi đôi với hành 

Trần Nam Dũng, Trưởng phòng nhân sự Công ty Phần mềm FTP (FPT Software) nhận định rằng sinh viên (SV) CNTT sau khi ra trường hiện nay đều có chung những điểm yếu quan trọng nhất: ngoại ngữ không giỏi; kỹ năng giao tiếp kém; tư duy chưa tốt; khả năng hòa nhập, làm việc theo nhóm lớn và thời gian dài yếu. FPT Software sau khi tuyển chọn thường phải đào tạo thêm một thời gian nữa để các bạn nắm được kỹ năng làm việc, sau đó mới giao đi triển khai dự án. 
 

Doanh nghiệp - nhà trường, cần bắt tay nhau ảnh 1
Sinh viên CNTT cần được dạy nhiều kỹ năng làm việc hơn. Ảnh: MAI HẢI

Anh Nguyễn Văn Khiêm, chuyên gia lập trình Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn (TSD) (209 D4, làng Quốc tế Thăng Long, Hà Nội) cho biết, nhiều tân cử nhân CNTT ra trường khi tiếp xúc với các ngôn ngữ lập trình của công ty đang sử dụng rất bỡ ngỡ. Trong trường sinh viên được học rất nhiều.

Tuy nhiên, trong thực tế, những giáo trình đã học không sử dụng được mà chỉ áp dụng được về “kiến thức” và “phương pháp luận”. Theo anh Khiêm, “các ngôn ngữ lập trình bây giờ có nhiều công cụ mới, tích hợp tính năng ứng dụng nhằm giúp làm việc dễ dàng, nhưng sinh viên không được học và tiếp xúc. Vì vậy, công ty thường tuyển chọn lập trình viên mới theo hai nguồn là đã có kinh nghiệm 3 năm hoặc sinh viên có tố chất tốt chỉ số thông minh (IQ) cao, tiếng Anh giỏi, có khả năng nhìn nhận và tư duy”.
 
Có cùng nhận định như trên, báo cáo của Bộ Bưu chính – Viễn thông về nguồn nhân lực CNTT đánh giá, các lập trình viên Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, yếu về kỹ năng lập trình và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Các SV được đào tạo về lý thuyết mà chưa có điều kiện thực hành.  

  • Ai sẽ xòe tay ra trước?

 “Liệu có một trường đại học nào, kể cả những trường danh tiếng quốc tế, có thể khẳng định đào tạo được tất cả SV CNTT phù hợp với nhu cầu và công nghệ của từng doanh nghiệp?” Thầy Phạm Tường Hải, Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Bách khoa TPHCM tỏ ra bức xúc khi các doanh nghiệp luôn “kêu” SV không có kỹ năng thực tế. Khi làm việc công nghiệp, không chỉ SV Việt Nam mà rất nhiều SV quốc tế đều vấp phải sự lúng túng trong giai đoạn khởi đầu.

CNTT là ngành kinh tế năng động, đa dạng và thay đổi rất nhanh, không thể có một chương trình đào tạo nào đón đầu được nhu cầu đó. Thầy Hải khẳng định: “Các doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực CNTT phải ước lượng được khoảng cách giữa đào tạo đại học và bồi dưỡng tại công ty. Doanh nghiệp cần có sự phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho SV được thực tập, tham gia những dự án để tích lũy kinh nghiệm”.

 Ông Nguyễn Xuân Phong, phụ trách quan hệ quốc tế, tuyển sinh và công tác SV Trường Đại học FPT cho biết, SV tại đây được trang bị những kỹ năng làm việc cần thiết thông qua những bài tập tình huống thực trong suốt quá trình học. Vì vậy, SV khi làm sẽ không mất thời gian làm quen công nghệ, quy trình hay tác phong làm việc.
 Nhiều công ty phần mềm luôn ủng hộ việc SV đến thực tập. Thông qua thời gian thực tập, SV được thử thách năng lực, làm quen với công việc qua đó rút ngắn được thời gian thử thách. Đơn cử, FPT Software năm 2006 nhận thực tập 30 SV, đến nay đã có 8 người được vào làm việc. Dự kiến năm 2007, công ty sẽ nhận thực tập 60 SV. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với số lượng SV CNTT đào tạo hàng năm.

“Chúng tôi sẵn sàng xuống tận trường để cùng hướng dẫn những bài tập ứng dụng thực tế. Thông qua đó, nhiều SV sẽ cùng lúc được thực tập, làm việc như ở công ty”, ông Dũng đề xuất. “Hoặc FPT Software sẽ sẵn sàng đứng ra nhận những sinh viên mới ra trường về đào tạo rồi sẽ “chuyển giao” cho các công ty phần mềm khác. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu và các ràng buộc chưa rõ ràng nên chưa thể thực hiện được”.
 
Trong khi các doanh nghiệp vẫn kêu ca về việc các trường không đào tạo SV đúng như cách mà họ muốn, và nhà trường, chắc chắn cũng chẳng vui vẻ gì về việc “sản phẩm” của mình bị chê, thì hình như, người ta vẫn nói rất nhiều, mà làm chưa đủ. Có lẽ, đã đến lúc hai bên cần phải xích lại gần hơn, xòe một bàn tay ra để làm cầu nối cho các tân cử nhân bước gần hơn với cuộc sống

 LÊ QUANG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục