Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến ngày 31-12-2011, VN có 543.963 doanh nghiệp (DN), với số vốn khoảng 6 triệu tỷ đồng. Trong tổng số DN đó, có gần 97% quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là DN tư nhân. Các DN nhỏ và vừa (DNNVV) sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 HTX, trang trại và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp tới 60% vào cơ cấu GDP. Không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước, DNNVV còn tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội.
Mạnh về số lượng, hiệu quả về đầu tư
Năm 2007 - năm đầu tiên VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ các doanh nghiệp VN. Cũng trong năm 2007, có khoảng 50.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn khoảng 400.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để năm 2010, VN đạt con số 500.000 DN. Năm 2011 được xem là năm “đại hạn” của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng cả nước vẫn có tới 77.548 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 513.000 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, năm 2011 đã có 24.413 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 182.344 tỷ đồng.
Sự phát triển của DNNVV trong 20 năm đổi mới là hết sức to lớn. DN tư nhân đã xác lập được vị thế trong công cuộc chấn hưng nền kinh tế đất nước. Điều này không chỉ đúng ở VN mà ngay cả các nước trong khu vực và thế giới. Dù quy mô còn nhỏ, với số vốn còn ít ỏi nhưng DNNVV, đặc biệt ở khu vực tư nhân, có hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Để tạo 1 đơn vị giá trị GDP, khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần 3,74 đơn vị đầu tư, trong khi khu vực nhà nước cần 8,28 đơn vị và DN khu vực FDI cần 4,99 đơn vị. Doanh thu trên tổng số tài sản khu vực tư nhân cũng cao hơn các khu vực khác. Trong khi DN tư nhân có số vốn 1 tỷ đồng tài sản tạo ra 1,18 tỷ đồng doanh thu thì khu vực DN Nhà nước chỉ tạo ra 0,80 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 0,89 tỷ đồng.
Không thể ngồi chờ phép màu
“VN không chỉ có đội ngũ lao động chăm chỉ, khéo léo; một đội ngũ doanh nhân nhanh nhạy, sáng tạo mà còn có cả một tiềm lực tài nguyên phong phú. Với lợi thế sẵn có, VN sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn khi những tiềm lực phát triển kinh tế trong dân được khơi dậy và được tổ chức tốt” – đây là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Biểu hiện rõ nét nhất, kể từ năm 2008 đến nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, vốn vay từ các ngân hàng bị thắt chặt, họ đã tự cứu mình bằng cách tìm đến nhiều nguồn vốn khác nhau để hợp tác phát triển. Từ trong khó khăn, đã xuất hiện nhiều doanh nhân có cách làm, cách nghĩ rất mới, họ quan niệm “đã làm doanh nhân thì không thể ngồi chờ phép màu”. Nhờ vậy, họ không chỉ trụ vững tại thị trường trong nước mà còn tăng lượng hàng xuất khẩu sang các nước, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Điển hình là trường hợp Công ty Giấy Sài Gòn. Tháng 4-2011 vừa qua, Giấy Sài Gòn đã ký hợp tác đầu tư chiến lược với Công ty Daio Paper Corporation (Daio) và Quỹ Đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản - DBJ). Hai nhà đầu tư này hiện nắm giữ trên 38% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Đây được xem là thương vụ đầu tư chiến lược, có chiều sâu nhất trong ngành giấy VN.
Không chỉ vốn, các đối tác Nhật Bản sẽ chia sẻ với Giấy Sài Gòn toàn diện về quản lý kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện mục tiêu chiếm 40% thị phần giấy tissue và 15% thị phần giấy bao bì tại thị trường VN, đồng thời tăng lượng hàng xuất khẩu sang Nhật. Từ tháng 6-2011, trung bình mỗi tháng, Giấy Sài Gòn xuất 15 - 20 container sang Nhật, xuất sang thị trường Canada, Mỹ, Campuchia từ 5 - 6 container/tháng.
Nhiều chủ DN cũng tự thân đi tìm và khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những trái sim chín rồi rụng ở các cánh rừng sâu được xem là quy luật. Nhưng với ông Trịnh Công Phát, Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Phát (Phú Quốc, Kiên Giang), nó đã trở thành nguồn nguyên liệu vô giá để sản xuất loại rượu sim bổ dưỡng cho cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, đặc biệt là các du khách khi đến Phú Quốc, ông Phát đã lặn lội ra Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Gia Lai,… kêu gọi người dân khai thác trái sim rừng.
Để làm được việc này, ông Phát phối hợp với các địa phương vừa tổ chức khai thác, vừa bảo tồn rừng nhằm mang lại thu nhập lâu dài cho người dân vùng sâu, vùng xa. Với nguyên liệu khai thác được ngày càng nhiều, công ty đã mở thêm xưởng thứ hai sản xuất rượu sim, công suất 500.000 lít/năm, nâng tổng sản lượng rượu sim cung cấp cho thị trường lên 700.000 lít/năm.
Nhu cầu thị trường về rượu sim còn nhiều, Sơn Phát đang khảo sát trữ lượng, nếu nguồn nguyên liệu đủ cung ứng, công ty sẽ đặt thêm cơ sở sản xuất thứ 3. Công ty cũng tính đến việc hỗ trợ nông dân trồng thêm sim ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Trưởng thành trong môi trường cạnh tranh
Những năm gần đây, người ta cũng chứng kiến hàng loạt các vụ sáp nhập và mua bán DN (M&A) với giá trị rất lớn do các công ty nước ngoài mua công ty trong nước là chủ yếu. Nhưng bước sang năm 2011, thị trường cũng đã xuất hiện xu hướng ngược lại. Trường hợp Dragon Capital thoái vốn tại hai khoản đầu tư lớn vào VPBank và dự án Núi Pháo cho các nhà đầu tư trong nước sở hữu là một ví dụ điển hình cho xu hướng này.
Nhiều công ty trong nước cũng đã chủ động mua lại và sáp nhập với nhau nhằm tận dụng hệ thống phân phối sẵn có từ đó hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Số lượng các giao dịch loại này chiếm khoảng gần 50% tổng số giao dịch toàn thị trường. Công ty CP SXTM Thành Thành Công đã bỏ vốn để trở thành cổ đông lớn tại hàng loạt các công ty mía đường như La Ngà, Biên Hòa, Phan Rang với tỷ lệ vốn sở hữu từ 4% - 22%.
Trong lĩnh vực bất động sản (tính đến đầu tháng 8-2011), trong số 25 thương vụ M&A, chỉ có 3 vụ liên quan đến các DN nước ngoài, số còn lại là các DN trong nước giao dịch, mua bán với nhau. Những động thái này cho thấy khu vực DN tư nhân VN đã thực sự trưởng thành và lớn mạnh.
Trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều dự báo cho rằng sau khi VN mở cửa thị trường theo cam kết, các nhà bán lẻ trong nước sẽ bị “đè bẹp” bởi các tập đoàn đa quốc gia. Trên thực tế, điều này chưa xảy ra, các DN trong nước như Saigon Co.op, Vinatexmart, Satramart, Vissan,… vẫn vững tiến, với tốc độ tăng trưởng từ 25% - 30%/năm. Với việc triển khai các siêu thị, song song với việc phát triển mô hình kinh doanh các cửa hàng tiện lợi, đã làm cho thương hiệu và uy tín của DN ngày càng được củng cố.
Mới đây nhất, Saigon Co.op cũng đã bắt tay với nhà bán lẻ hàng đầu Singapore là Mapletree khởi công xây dựng trung tâm SC VivoCity - dự án thương mại lớn nhất nước với tổng đầu tư 100 triệu USD, với tổng diện tích 72.000m². Dự án này hoàn thành, sẽ trở thành một trung tâm thương mại kiểu mẫu của VN…
Theo kết quả điều tra những năm gần đây, nếu đem tiêu chí DNNVV là dưới 300 lao động và vốn dưới 10 tỷ đồng thì có đến 96,81% DN của VN thuộc nhóm này. Trong đó, xét quy mô về vốn thì DN có số vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm 41,8%; từ 1 - 5 tỷ đồng chiếm 37,03%; DN có vốn từ 5 - 10 tỷ đồng chỉ chiếm 8,18%. Về quy mô lao động có tới 51,3% DN có dưới 10 lao động… Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, số lượng DNNVV chiếm đến 42,46% tổng số DNNVV của cả nước. |
THÚY HẢI