* Chỉ số giá tiêu dùng TPHCM tăng cao
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng rau quả cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá bán sỉ mặt hàng su su là 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày 21-5 (ở mức 4.000 đồng/kg); bó xôi tăng 10.000 đồng/kg lên mức 40.000 đồng/kg, trong khi cách đây 9 ngày có giá 30.000 đồng/kg; tương tự đậu Hòa Lan có giá 55.000 đồng/kg (đã tăng 10.000 đồng/kg)… Giá các mặt hàng này đến tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm từ 8.000-20.000 đồng/kg, tùy nơi bán. Chị Ngô Lan, tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn lý giải, vài ngày nay mưa nhiều, một số mặt hàng rau, quả về chợ không kịp nên xảy ra tình trạng nhích giá, nhưng đây chỉ là cá biệt.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá trứng gà bình ổn thị trường là 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục. Mức giá này thấp hơn cả giá thành, trong khi giá đầu vào tăng từ 30%-40% so với cách đây gần 1 năm nên doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Trường hợp doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng giá bán 10% thì mới có thể hòa vốn, tiếp tục cung ứng giá bình ổn cho các siêu thị, hỗ trợ bà con mua hàng.
Để hỗ trợ giá cho người tiêu dùng, một số chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM khẳng định sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá ưu đãi nhằm cải thiện sức mua. Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 tăng cao. Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất 2,2%, nhóm nhiên liệu tăng 5,09%. Tiếp đến là chỉ số giá nhóm đồ dùng và gia đình; nhóm bưu chính viễn thông với mức 0,18%. Riêng nhóm lương thực tăng đáng kể ở mức 1,29% với giá gạo tăng 1,75%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thừa nhận, thời điểm này đang phải cố gắng gồng gánh nhằm đáp ứng cam kết bình ổn giá hàng hóa tại các siêu thị. Tuy vậy, đối với các mặt hàng tăng liên tục, chưa có điểm dừng, tạo ra mức chênh lệch lớn đối với cùng mặt hàng (ví dụ trứng gia cầm…), doanh nghiệp sẽ kiến nghị điều chỉnh giá. Bởi “càng gồng càng lỗ” sẽ khiến doanh nghiệp không đủ lực tái đầu tư, sản xuất. Lãnh đạo một tập đoàn lớn cũng cho hay, đã có chiến lược điều chỉnh tăng giá bán, nhưng ở mức chấp nhận để tránh “sốc” cho người tiêu dùng.
Sở Công thương TPHCM cho biết vẫn chưa nhận được đơn đề xuất tăng giá từ các doanh nghiệp bình ổn, nhưng khẳng định sẽ chủ động cùng Sở Tài chính xem xét, điều chỉnh giá bình ổn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.