Doanh nghiệp nội bung hàng sớm, giá ổn định

Doanh nghiệp nội bung hàng sớm, giá ổn định

Thị trường bánh kẹo Tết Đinh Dậu 2017

Theo tính toán của Sở Công thương TPHCM, Tết Đinh Dậu năm nay, TP sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh, kẹo, tăng hơn 10% so với Tết Bính Thân 2016. Năm nay, thị trường bánh kẹo khởi động khá sớm, hàng hóa đa dạng, phong phú về mẫu mã, đặc biệt chất lượng sản phẩm trong nước không ngừng hoàn thiện nhưng giá bán vẫn tương đối ổn định.

Sản lượng tăng từ 5%-10%

Còn hơn một tháng nữa mới đến cao điểm mua sắm tết, nhưng hiện nay tại nhiều siêu thị đã bố trí khu vực mặt tiền đẹp nhất để trưng bày các loại bánh kẹo. Trên thực tế, với người tiêu dùng bình thường mua để chưng tết thì chưa có nhu cầu, nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN) thì đây là lúc họ có thể chọn mua các loại bánh kẹo đẹp, chất lượng tốt nhưng phù hợp với túi tiền để làm giỏ quà tặng cho cán bộ, công nhân viên đón tết. Nắm bắt tâm lý này, các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước đã có kế hoạch tung hàng tết từ khá sớm, với sản lượng dự kiến tăng từ 5%-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bánh phục vụ mua sắm tết tại Co.opmart Cống Quỳnh Ảnh: CAO THĂNG

Thông tin từ Công ty CP Bibica, mùa tiêu thụ bánh kẹo dịp Tết Đinh Dậu 2017, công ty dự kiến đưa ra thị trường 1.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng sản lượng dòng bánh cookies cao cấp Goody lên gấp đôi, đa dạng mặt hàng kẹo với nhiều bao bì, mẫu mã. Trong 5 năm gần đây, Bibica dường như thắng lớn với việc đưa ra các dòng bánh cao cấp. Theo lý giải của công ty này, trong thị trường đầy cạnh tranh, với nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là các sản phẩm ngoại nhập, nếu DN không đầu tư bài bản để nâng chất, đa dạng bao bì, mẫu mã sẽ rất khó tìm được chỗ đứng cho sản phẩm.

Đến nay, sau hơn 1 tháng ra mắt, các dòng sản phẩm cung ứng riêng cho thị trường tết của Bibica đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 10.000 điểm bán trên cả nước, với nhiều phân khúc từ cao cấp cho đến bình dân, mức giá tăng 3% - 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tết Đinh Dậu 2017 cũng là năm thứ 2 bánh Kinh Đô có thêm tên mới là Mondelez Kinh Đô. Tuy nhiên, về cơ bản các dòng bánh tết vẫn không thay đổi, thêm vào đó người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn từ việc bổ sung thêm dòng bánh mới của công ty đã được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh việc tung ra 40 loại bánh, có mức giá khuyến nghị dao động từ 40.000 đồng/sản phẩm đến loại cao cấp nhất là 194.000 đồng/sản phẩm, Mondelez Kinh Đô cũng đã phân loại thành 5 nhóm bánh chính để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như nhóm quà tết đặc biệt, nhóm quà tết truyền thống với bộ sưu tập bánh cookies đặc trưng cho ngày tết, nhóm bánh Cosy tết với nhiều quy cách như hộp thiếc tròn, hộp thiếc vuông, hộp giấy, với màu sắc đặc trưng của tết truyền thống nhằm làm đa dạng sự lựa chọn trong giỏ quà tết.

Ở phân khúc thấp hơn, còn có các sản phẩm của Phạm Nguyên, các DN bánh kẹo từ phía Bắc như Hải Hà, Hải Châu, Minh Ngọc…; miền Trung có bánh kẹo Quảng Ngãi cũng đã tung ra thị trường sản lượng tăng từ 5%-10% để đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tại các chợ bán sỉ của TPHCM như Bình Tây, An Đông, các loại bánh kẹo bán xá, cân ký chủ yếu là do các DN, cơ sở sản xuất trong nước cung cấp; hàng Trung Quốc không còn xuất hiện nhiều như trước.

Về sức mua đang tiến triển khá tốt, hiện các DN sản xuất đã và đang cung ứng đạt khoảng 80% kế hoạch tết. Nhiều khả năng, sản lượng tiêu thụ tết sẽ đạt kế hoạch.

Hàng nội chiếm ưu thế

Theo báo cáo số liệu nghiên cứu thị trường bánh kẹo tại Việt Nam của một số công ty cho thấy, đến năm 2018, doanh thu toàn ngành bánh kẹo Việt Nam đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8kg/người/năm). Trong lĩnh vực kỹ nghệ thực phẩm, bánh kẹo là ngành có mức tăng trưởng cao và ổn định. Đây chính là lý do các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, với nguồn sản xuất trong nước dồi dào, giá cả ổn định, chủng loại phong phú và xu hướng người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam, thị trường bánh kẹo nội địa phần nào đã cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

Theo khảo sát của PV Báo SGGP, cũng như mùa tết năm ngoái, tại thời điểm này, trên quầy kệ của các siêu thị có vốn nước ngoài như Lotte Mart, Aeon Mall, Metro, đều có quầy kệ riêng cho bánh kẹo nhập khẩu, phần lớn là những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam từ năm qua như Orion, Danisa, LU, Ritz… Cụ thể, tại Lotte Mart, tỷ lệ bánh kẹo Việt chiếm xấp xỉ so với hàng ngoại, trong đó chủ yếu là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc; tại Aeon chủ yếu là các sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu riêng Top Value của Aeon; tại Metro, nơi được xem là có khá nhiều loại thực phẩm nhập khẩu nhưng tỷ lệ bánh nội cũng xuất hiện khá đầy đủ trên các quầy kệ của Metro. Các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu cũng vô cùng đa dạng từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ...

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C cho biết, bánh kẹo Việt chiếm khoảng 90% tổng lượng bánh kẹo đang bày bán tại Big C. Người tiêu dùng ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng được nâng cao, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn. Nhiều thương hiệu Việt cũng làm tốt công tác quảng bá, thương hiệu trở nên quen thuộc, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.

Theo thống kê của hệ thống siêu thị Co.opMart, hàng Việt về cơ cấu hiện vẫn chiếm hơn 90% tổng lượng hàng bán trong siêu thị. Nhưng riêng nhóm hàng bánh kẹo thì hàng nội, đặc biệt là trong dịp năm nay chiếm trên 70%, trong đó mẫu mã rất đa dạng, phong phú, giá bán phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Để ủng hộ hàng trong nước, năm nay, Co.opmart tiếp tục ưu ái đưa vào các giỏ quà tết nhằm làm tăng giá trị, góp phần quảng bá cho các thương hiệu bánh kẹo trong nước.

Tại khu vực các cửa hàng bánh kẹo tại TPHCM, nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời gian gần đây có khá nhiều nhà cung cấp nhờ bán thử một số mẫu bánh ngoại nhập. Tuy nhiên, khách hàng đến mua chủ yếu chỉ chọn 2 loại bánh quen thuộc là LU và Danisa, còn lại mua hàng của các DN trong nước, do vậy nếu nói là hàng ngoại lấn át hàng nội là không đúng.

Trong lĩnh vực trái cây sấy khô, sản phẩm đặc trưng của Vinamit như mít sấy, hạt sen, chuối sấy…. được đóng trong các loại hộp khá đẹp mắt. Hàng của Vinamit cũng rất phù hợp cho việc chọn làm quà tặng, biếu trong dịp tết 

 Không tăng giá bán hàng bình ổn trong 2 tháng trước và sau tết

Theo Sở Công thương TPHCM, các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đều đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết (tức là từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 28-2-2017); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Bên cạnh đó, trong tháng cận tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn TPHCM sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. Riêng DN bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng trong chương trình vào các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục trong 2 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5% - 10% trong 1 tháng trước tết; giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5% - 7% trong 2 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15% - 20% trong 1 tháng trước tết.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Thông tin từ Sở Tài chính TPHCM cho hay, từ đầu Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 đến nay, sở đã thực hiện điều chỉnh giá nhóm hàng thịt gia súc 2 lần: 1 lần tăng và 1 lần giảm. Tổng mức điều chỉnh 6 mặt hàng thịt gia súc (thịt heo đùi, thịt vai, thịt nách, thịt nạc, thịt cốt lết, sườn già) giảm 500 đồng/kg so với đầu chương trình, cụ thể: thịt heo đùi 89.000 đồng/kg, thịt vai 83.000 đồng/kg, thịt nách 83.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai, đùi) 99.000 đồng/kg, thịt cốt lết 89.000 đồng/kg, sườn già 84.000 đồng/kg, chân giò 74.500 đồng/kg, thịt ba rọi 93.500 đồng/kg. Các mặt hàng khác, tình hình giá cả tương đối ổn định.

HÙNG NGUYỄN

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục