Trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 27-3 tại Hà Nội, các doanh nghiệp đều cho biết ngại đầu tư vào nông nghiệp vì không có vốn.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng nhưng những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng cao, đóng góp 20% GDP của cả nước, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng doanh nghiệp nào cũng than đang gặp khó khăn, khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước đang có hơn 8.700 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm khoảng 3,5% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, trong đó có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp đều cho biết khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ là quy mô sản xuất kinh doanh còn thấp. Theo khảo sát, có tới 90% doanh nghiệp nông nghiệp chỉ có vốn dưới 10 tỷ đồng. Khoảng 6,5% doanh nghiệp có vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ hơn 1% có mức vốn trên 200 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Hoàn, Phó trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, với mức vốn thấp như vậy nên bình quân vốn cho 1 lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ 200 triệu đồng, bằng 1/4 số vốn bình quân cho 1 lao động của các doanh nghiệp thuộc tất cả ngành kinh tế. Vì vậy đã gây rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cũng như mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
Bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay ở chỗ khó vay được vốn ngân hàng để đầu tư phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực nông nghiệp càng thêm xa vời, vì những lý do như phương án kinh doanh chưa khả thi, năng lực tài chính yếu, chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho rằng, điểm lại 4 năm khủng hoảng kinh tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các chính sách đó không đi vào cuộc sống. Chẳng hạn trong lĩnh vực ưu tiên vốn vay cho các doanh nghiệp nông nghiệp, từ năm 2010, Chính phủ đã có rất nhiều văn bản nói rằng phải ưu tiên cho các doanh nghiệp nhưng đến nay các văn bản hỗ trợ không đi vào thực tiễn và không giúp ích nhiều cho doanh nghiệp. Đó cũng chính là lý do vì sao doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng.
Cũng bởi vốn ít nên khả năng tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp nông nghiệp không được thuận lợi vì còn thiếu thông tin thị trường cũng như các quy định của tổ chức thương mại quốc tế. Chất lượng nông sản cũng thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, manh mún. Phần lớn doanh nghiệp phải tự xoay xở lo vốn làm ăn.
Cùng nỗi niềm, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thao cho rằng chưa doanh nghiệp mía đường nào được vay vốn hợp lý, mặc dù ngành mía đường hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vụ ép mía năm 2012 sẽ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ. Hiện tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu, tồn kho, nhập lậu là 1,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 1,3 triệu tấn nên dư thừa là điều tất nhiên.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp và nông dân, ông Thao đề nghị Bộ NN-PTNT bàn bạc với Bộ Công thương thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn mua tạm trữ 200.000 tấn đường giúp giữ giá, giúp nông dân không chặt phá mía tràn lan.
Ông Phạm Xuân Hoàn cho biết, những khó khăn và đề nghị của doanh nghiệp sẽ được trình lên Chính phủ xem xét, bổ sung những chính sách và cơ chế mới trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện phát triển, yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phúc Văn