
Tháng 11-2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ BC-VT và Bộ VH-TT đã giao nhiệm vụ cho các bộ này gấp rút nghiên cứu, ban hành thông tư liên bộ về quản lý game online càng sớm càng tốt. Vào thời điểm đó, theo dự kiến của 2 bộ, thông tư sẽ hoàn thành trong năm 2005 và thị trường game online được yêu cầu giữ nguyên tình trạng chờ thông tư. Thế nhưng thời hạn hoàn thành thông tư cứ được dời lại trong sự thấp thỏm chờ đợi của các doanh nghiệp.
“Niêm phong” thị trường game online
Lần ngược lại thời gian, Báo SGGP số ra ngày 19-11-2005 đăng thông tin về công văn của Bộ VH – TT yêu cầu UBND tỉnh, thành phố, Bộ BC-VT, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan phối hợp thực hiện 4 nội dung cấp bách trong việc quản lý các hoạt động game online (GO) ở Việt Nam.

Ragnarok đã được VinaGame chuẩn bị xong, chỉ chờ được phép phát hành.
2 nội dung đầu tiên là “không nhập khẩu và phát hành game online mới cho tới khi quy chế quản lý game online được ban hành” và “yêu cầu các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ game online không được phát triển thêm số lượng người chơi mới (không cấp tài khoản– account mới)”. Đây được xem là quy chế tạm thời trong khi chờ quy chế chính thức được ban hành vào cuối năm 2005.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, phụ trách đối ngoại của Công ty VinaGame, cho biết: “Không hiểu vì lý do gì mà văn bản này không đến tay doanh nghiệp, chúng tôi chỉ đọc những thông tin này trên báo. Tuy vậy, các doanh nghiệp kinh doanh GO đến nay đều chấp hành yêu cầu không phát hành thêm game mới của Bộ VH – TT, mặc dù công ty chúng tôi và rất nhiều doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh GO đã ký hợp đồng mua bản quyền GO mới đối với các doanh nghiệp nước ngoài”.
Việc ban hành quy chế chính thức, được các bộ phối hợp soạn thảo thông tư dời thời hạn ban hành từ cuối năm 2005 sang tháng 1 năm 2006 để rồi đến bây giờ vẫn chưa thấy thông tư, quy chế hoạt động đâu. Một đại diện của doanh nghiệp kinh doanh GO “kêu trời”: “Nghe nói Bộ lại hứa đến cuối quý 1 sẽ ban hành. Cứ hứa hoài mà không thấy, chúng tôi lo là không biết cuối quý 1 quy chế có được ban hành hay chưa. Mà như vậy thì hợp đồng đã ký của chúng tôi nguy mất, không được phát hành GO là phải bồi thường với đối tác nước ngoài. Chậm trễ mấy tháng nay là phải gồng mình dữ lắm rồi!”.
Thị trường GO bị “niêm phong” cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các game thủ, khi 8 tháng nay vẫn chỉ có thể lựa chọn chơi trong 9 GO đã được phát hành. “Nghe nói game Con đường tơ lụa đã được VDC mua bản quyền, rồi còn Ranarok, Guild Wars của VinaGame… toàn những GO nổi tiếng, mới nghe đã thấy hay mà chưa được chơi thử” - Trương Minh Sơn, một game thủ trẻ tuổi nói.
Sự chậm trễ đáng lo ngại
Đối với các doanh nghiệp, nỗi lo nằm ở nhiều khía cạnh. Trong bài viết nhận định về khả năng bị “niêm phong” thị trường và những tác động tiêu cực của nó được đăng trên báo SGGP từ ngày 5-11-2005 (trước khi công văn yêu cầu không nhập GO mới, không đăng ký account mới của Bộ VH – TT ban hành 13 ngày), chúng tôi đã nói đến những thiệt hại của việc hạn chế phát triển một thị trường đang được dự báo tăng trưởng 400% năm.
Ngoài những tác động tiêu cực đến với một loại hình kinh doanh mới, do chi phí để đầu tư và duy trì một hệ thống GO rất lớn nên việc không được phát hành GO mới trong khi đã hoàn thiện việc chuẩn bị, theo ước tính của các doanh nghiệp là có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó do thị trường GO luôn phát triển và đổi mới, liên tục có những GO mới hơn, hay hơn để đáp ứng thị hiếu của người chơi nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn những GO mới để đáp ứng thị hiếu khán giả, nếu không muốn bị mất thị phần.
Vì vậy dù chưa chính thức tung ra các GO mới nhưng việc chuẩn bị phát hành thêm GO đã được các doanh nghiệp tiến hành từ rất lâu và hiện nay nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất khâu chuẩn bị, chỉ chờ được phép là tung ra bản thử nghiệm.
Chuẩn bị gia nhập WTO, việc tạo thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước phát triển, chuẩn bị nội lực để cạnh tranh trong hội nhập là điều rất quan trọng. Và sự chậm trễ trong ban hành thông tư liên bộ về quản lý GO rất đáng lo ngại.
MINH TÚ