Hàng gian, hàng giả đang là vấn đề nan giải của toàn xã hội vì nó ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, được ví như là kẻ thù của doanh nghiệp (DN). Trên thực tế, nạn sản xuất hàng gian, hàng giả không chỉ làm cho DN thiệt hại về doanh số, mất thị phần tiêu thụ, mà còn ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Nhiều thiệt thòi
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hàng giả, hàng nhái hiện nay khá phổ biến từ mặt hàng thông thường, hàng điện, điện tử đến những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người và cả tem chống hàng giả cũng bị làm nhái, làm giả. Thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái hiện nay cũng nhanh hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây sau khi DN cho ra đời sản phẩm mới phải trên nửa năm mới có hàng giả, hàng nhái, thì hiện nay chỉ khoảng nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngoài thị trường.
Thủ đoạn cũng mới hơn, tinh vi hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Hàng giả, hàng nhái đã xâm phạm môi trường kinh doanh, triệt tiêu sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, đẩy các DN làm ăn chân chính tới bờ vực phá sản. Người tiêu dùng bị lừa, không những mất tiền mà nhiều trường hợp còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng; Ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Dầu xức giả bị phát hiện (Ảnh: THÀNH TRÍ)
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, hiện tại, tỷ lệ hàng giả tại thị trường TPHCM chiếm 8% đối với dược phẩm, 25% đối với rượu mạnh. Ông Hưng dẫn chứng, năm 2014, Tập đoàn Hoa Sen bị thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, tương ứng 2,6% thị phần bởi nạn hàng gian, hàng giả.
Đại diện Công ty dây cáp điện Việt Nam - Cadivi bức xúc, là một DN chuyên sản xuất và kinh doanh dây cáp điện, công ty này cũng như nhiều DN sản xuất, kinh doanh chân chính đã nhận thức được việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình. Nhưng gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Hải quan, công ty đã phát hiện ra hiện tượng giả nhãn mác thương hiệu Cadivi để đưa qua cửa khẩu, sử dụng nhãn mác giả để dán lên sản phẩm nhiều lần nhằm hưởng lợi từ việc trốn thuế. Bên cạnh đó, thị trường cũng xuất hiện một số tên thương hiệu gần giống với Cadivi như Cadavi, Cadivina, HTH-Cadivina… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín của DN.
Đồng hồ giả mạo thương hiệu
Tương tự, Công ty mỹ phẩm Sài Gòn cũng phản ánh, mỹ phẩm giả, nhái hiện nay có mặt ở hầu khắp mọi nơi, từ các mặt hàng tạp hóa ở các chợ nông thôn đến các lề đường, hè phố tại các đô thị, thậm chí còn len lỏi, trà trộn vào cả trong siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp tại các TP lớn.
Đối với DN mỹ phẩm, để có được một sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng, DN phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và tài chính từ khâu nghiên cứu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, đến đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, công bố tiêu chuẩn… Nhưng không lâu sau đó, thị trường đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, giá bán rẻ cạnh tranh trực tiếp với hàng thật. Do không tốn tiền đầu tư nghiên cứu nên hàng giả có giá bán rất rẻ, đã gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm thật.
Ngoài việc phải “chiến đấu” trực tiếp với hàng gian, hàng giả được sản xuất trong nước, các DN mỹ phẩm trong nước còn phải đối mặt với các sản phẩm được làm giả, nhái từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và phải cạnh tranh không cân sức với các sản phẩm ngoại được tuồn về Việt Nam qua đường xách tay, nhập lậu trốn thuế.
Cần chế tài mạnh
Trao đổi về vấn đề này, Th.S Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết, có rất nhiều DN trong nước bị hàng giả, hàng nhái, nhập lậu tấn công, trong đó có những tên tuổi rất nổi tiếng ở đa số ngành hàng, từ hàng gia dụng, điện tử, đến may mặc, da giày, thực phẩm…
Cũng có nhiều DN vừa mới đưa sản phẩm mới ra thị trường, do sơ hở chưa kịp đăng ký bảo hộ bản quyền thì lập tức bị ăn cắp, nhái, giả. Nói chung, thực trạng hàng giả, hàng nhái, nhập lậu trên thị trường Việt Nam rất nghiêm trọng. Các DN đều biết hàng của mình bị làm giả nhưng không dám lên tiếng, không dám chống hàng giả rầm rộ, sợ chưa chống được hàng giả thì đã bị người tiêu dùng tẩy chay. Vì thế, một số DN chấp nhận sống chung với hàng giả, một số vẫn tích cực chống hàng giả một cách âm thầm, không dám cho báo chí, người tiêu dùng biết.
Cũng theo Th.S Ngô Bách Phong, hiện nay mức độ xử lý kẻ sản xuất, phân phối hoặc tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, nhập lậu còn chưa thỏa đáng, chưa làm chùn bước những kẻ đang vì lợi nhuận riêng mà không màng tới sự an toàn của người tiêu dùng, tới sự phát triển của xã hội. Do vậy, cần phải xử phạt mạnh tay đối với những trường hợp này để tạo tính răn đe.
Ông Phạm Qúy Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, chia sẻ, trước thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu ngày càng diễn biến phức tạp, ngành QLTT TPHCM sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra các đơn vị cá nhân vi phạm; chú trọng các địa bàn và mặt hàng trọng điểm; đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với QLTT các tỉnh có địa bàn giáp ranh với TP trong công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, nhất là đối với thuốc lá ngoại nhập lậu. Tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành TP, quận, huyện về phòng chống nạn hàng gian, hàng giả, nhập lậu.
MINH HẢI