Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước khu vực ven Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán, dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM, đặc biệt là DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, tăng cường đầu tư nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm khác biệt.
Tham gia TPP giúp doanh nghiệp dệt may, da giày... trong nước tăng sản lượng xuất khẩu sang các nước thành viên TPP. Ảnh: Cao Thăng
Cơ hội nhiều, thách thức không ít
Trong lĩnh vực thương mại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi, tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên nhờ được giảm thuế, là cú hích mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, nông sản…, giúp kiềm chế nhập siêu, hạn chế rủi ro, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn ngoài TPP. Các nghiên cứu đều cho rằng, khi gia nhập TPP, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Theo tính toán, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025…
Việc thu hút đầu tư trực tiếp từ các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, kéo theo công nghệ và quản trị hiện đại. Từ làn sóng đầu tư FDI tạo cơ hội cho DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nếu đủ năng lực kết nối chuỗi. Theo đó, người tiêu dùng trong nước tiếp cận nhiều dịch vụ tốt hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh cơ hội trực tiếp, về lâu dài, cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, áp lực thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo thông lệ tốt, minh bạch, hành xử khách quan, xây dựng nhà nước phục vụ, tôn trọng quy luật thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước và nước ngoài. Một khi khai thông thị trường với các nước trong TPP cũng đồng nghĩa chuyển hướng thương mại, giúp DN Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trên thực tế, trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam có nền kinh tế phát triển thấp nhất nên sẽ phải đối mặt với không ít thách thức do sức ép mở cửa thị trường trong nhiều lĩnh vực. Sản xuất trong nước sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, như: thịt gia súc (thịt bò...), gia cầm (thịt gà) và trái cây… từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand…
Cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt
Hiện nay, trong CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm, hầu hết các sản phẩm bình ổn nằm trong nhóm đối diện với thách thức, đặc biệt là những DN kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả.
Bên cạnh việc tích cực chuẩn bị hành trang để tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và TPP, các DN cũng đã xác định rõ thách thức để sẵn sàng đối phó. Thể hiện rõ nhất là nhiều DN đang tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, những sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu, thói quen tiêu dùng truyền thống của người Việt Nam ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau, từ đó có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp phổ thông, giá rẻ được dự báo sẽ gia tăng sản lượng nhập khẩu, đặc biệt là khi TPP có hiệu lực. Nhiều DN tham gia CTBOTT đã sớm nghiên cứu, thử nghiệm điều chỉnh chiến lược sản xuất, chiến lược sản phẩm và phân khúc thị trường, đưa ra nhiều mặt hàng mới thuộc phân khúc khác với các mặt hàng thế mạnh của các nước; xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn để tham gia đề án Chuỗi thực phẩm an toàn đang được Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Công thương triển khai với yêu cầu các mặt hàng thực phẩm được nuôi trồng, sản xuất và phân phối theo quy trình được quy định kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn sẽ được đưa vào chuỗi, cấp giấy chứng nhận, gắn logo sản phẩm Chuỗi thực phẩm an toàn và quảng bá cho người tiêu dùng nhận biết và mua sắm sử dụng.
Để tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN, từ Trung ương đến TP đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án lớn như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình BOTT; chương trình Hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; xây dựng Chuỗi thực phẩm an toàn; chương trình Kích cầu đầu tư… Cách làm này đã tạo điều kiện cho DN mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, phát triển sản xuất theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn…
Hướng tới, TP cũng khuyến khích các DN xây dựng cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch gắn mác “thực phẩm chuỗi”, mọi sản phẩm tại đây đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn nhờ được quản lý theo mô hình khép kín, kiểm soát chặt từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến chế biến… theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tính đến nay, đã có hơn 50 DN của TP và các địa phương tham gia Chuỗi thực phẩm an toàn, với số lượng mặt hàng đạt tiêu chuẩn lên đến gần 100 sản phẩm, cung ứng tổng sản lượng lên đến 32.518 tấn hàng hóa mỗi năm. Các mặt hàng gồm: rau quả đạt 16.118 tấn/năm, thịt heo (8.559 tấn/năm), thịt gà (7.665 tấn/năm), trà (140 tấn/năm), thủy sản (36 tấn/năm), trứng gia cầm (34.675.999 quả/năm)... Trong số đó, có hơn 10 DN BOTT tại TPHCM tham gia là các đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn, có thương hiệu mạnh như Vissan, Cầu Tre, Phạm Tôn, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Anh Đào… Các sản phẩm ăn liền cao cấp, sử dụng nguyên liệu chất lượng cao từ củ sâm và tổ yến của Công ty Saigon Food, sản phẩm gà ta, gà thảo mộc của Công ty San Hà... đã tạo nên sự khác biệt lớn so với các sản phẩm nhập khẩu.
Một số DN khác trong CTBOTT cũng đang hoàn thiện quy trình theo quy định để đăng ký tham gia chuỗi, tích cực hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP để được xác nhận, đưa vào phân phối tại các điểm bán đang được Ban quản lý đề án xây dựng và công bố để nhân dân an tâm mua sắm, tiêu dùng.
Về phía các DN phân phối như Saigon Co.op, Satra đang tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối, với nhiều hình thức đa dạng như trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, các DN này cũng tập trung vào mảng phát triển nhãn hàng riêng để hình thành quy trình khép kín từ sản xuất đến phân phối, chủ động hoạt động kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với sự tích cực tham gia các chương trình, chủ trương lớn của Trung ương và TP, sự năng động, sáng tạo của các DN trong nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mới, có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, được nhà nước kiểm soát, chứng nhận và công bố đến người tiêu dùng, sẽ là bước chuẩn bị căn cơ và chắc chắn để DN BOTT có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội cũng như đối phó và vượt qua các thách thức từ FTA và TPP, hướng tới phát triển bền vững.
YẾN NHƯ