Doanh nghiệp TPHCM: Làm thế nào để thành công ở thị trường miền Bắc

Hiện đã và đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ ra miền Bắc của các doanh nghiệp (DN) TPHCM. Nhưng để sản phẩm cạnh tranh tốt và phát triển bền vững thì cần có thời gian và cách làm thị trường bài bản.
Doanh nghiệp TPHCM: Làm thế nào để thành công ở thị trường miền Bắc

Hiện đã và đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ ra miền Bắc của các doanh nghiệp (DN) TPHCM. Nhưng để sản phẩm cạnh tranh tốt và phát triển bền vững thì cần có thời gian và cách làm thị trường bài bản.

Thời làm ăn của doanh nghiệp miền Nam

Có dịp ở Hà Nội dài ngày, chúng tôi đã đi nhiều siêu thị, đến nhiều trung tâm thương mại và điều khiến không ít người dân TPHCM tự hào là hàng hóa, dịch vụ của TP hiện diện ngày càng nhiều tại thủ đô. Từ hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm tươi sống, hàng chế biến, may mặc cho đến các nhà hàng, quán ăn và cả lĩnh vực kinh doanh siêu thị chuyên ngành. Nói như chị Nguyễn Thúy Hà (quận Cầu Giấy) thì đây là thời làm ăn của các DN miền Nam trên đất Bắc.

Trên thực tế, để “Bắc tiến” thành công là điều không hề dễ dàng. Ngay từ năm 1997, Công ty Vissan đã bắt đầu thành lập chi nhánh để tiến hành khảo sát, đánh giá phân khúc thị trường và đưa hàng hóa ra bán thử nghiệm. Phải mất tròn 10 năm, đến năm 2007, các loại thực phẩm chế biến của Vissan mới thực sự tìm được chỗ đứng tại các siêu thị, cửa hàng bán sỉ và lẻ thông qua sự hợp tác với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro.  Nhưng theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vissan Hà Nội, năm 2015 là lúc hội đủ các điều kiện, từ mức độ tiêu thụ trên thị trường, mạng lưới phân phối đến khả năng quản trị, thì Vissan mới chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng nhà máy sản xuất.

Như vậy, tính chung từ thời điểm tìm hiểu thị trường cho đến lúc Vissan tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất tại miền Bắc mất tròn 18 năm. Đây là quãng thời gian chưa dài nhưng cũng không hề ngắn để sản phẩm có thể “bám rễ” được ở ngay thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm, hiện Vissan vẫn đang tiếp tục đầu tư về nhiều mặt để phát triển thị trường tại khu vực phía Bắc một cách bền vững. Mặt khác, cơ cấu và phân khúc tiêu dùng cũng liên tục được phân tích, đánh giá để từ đó điều chỉnh sản xuất hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tương tự, ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Hương Mi (Hami), đơn vị chuyên sản xuất các loại ba lô, cặp xách học sinh, cũng cho rằng sau 5 năm phát triển mạng lưới phân phối ra miền Bắc, doanh thu tăng trưởng khá tốt nhưng công ty vẫn chưa tính đến việc đầu tư xây dựng nhà xưởng ra phía Bắc. Nguyên nhân chính, nguồn cung chủ yếu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hiện vẫn từ các tỉnh phía Nam và TPHCM. Do vậy, nếu đưa nhà xưởng ra miền Bắc thì chi phí sản xuất sẽ đội lên rất cao. Còn với việc bán sản phẩm như hiện nay, Hami cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ chi phí vận chuyển. Theo tính toán của ông Dũng, cho dù giá xăng dầu có tăng hay giảm thì chi phí vận chuyển vẫn được các đối tác điều chỉnh tăng dần đều theo từng năm. Mỗi sản phẩm bán ra miền Bắc như hiện nay đang phải cõng thêm khoảng 3% - 5% chi phí vận chuyển. Đó là chưa kể, sản phẩm trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt về giá với hàng Trung Quốc. Nhưng điều may mắn, theo ông Dũng là sản phẩm của Hami lại có rất nhiều thế mạnh từ mẫu mã đẹp mắt, đa dạng đến trọng lượng mỗi chiếc cặp xách, ba lô được xem là siêu nhẹ nên vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Các DN cung ứng thực phẩm tươi sống như San Hà, Phạm Tôn, Ba Huân… cũng có cùng quan điểm, nếu họ không tìm được các đối tác tiêu thụ với sản lượng lớn sẽ không thể mạnh dạn “Bắc tiến”. Bởi lẽ, từ việc chăn nuôi đến giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội đều chưa được quy hoạch bài bản như TPHCM, nên rất khó cạnh tranh về giá bán với các lò giết mổ lậu.

Dây chuyền phân loại trứng gia cầm tại Công ty Ba Huân để cung ứng cho thị trường miền Bắc. Ảnh: HẢI HÀ

Thành công nhờ sự khác biệt

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một chuyên gia thị trường cho rằng, để đánh giá mức độ thành công của các DN miền Nam ra Bắc và ngược lại là điều không dễ dàng, vì ở đâu, lúc nào cũng có những DN thành công hoặc thất bại. Vấn đề đặt ra là ở từng thị trường, nếu mỗi DN có chiến lược kinh doanh khác nhau và biết tận dụng các thế mạnh của mình thì thành công sẽ đến nhanh hơn.

Trường hợp của các DN như Ba Huân, Vissan hay Hami là điển hình. Trong bối cảnh ở Hà Nội, khi các loại giò lụa thường được chế biến kiểu truyền thống thì việc Vissan tung các sản phẩm chế biến công nghiệp, sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP đã đánh trúng thị hiếu tiêu dùng của đại đa số các gia đình trẻ, vốn đang rất ngại sự hiện diện của hàn the trong thực phẩm. Tương tự, mặt hàng trứng sạch Ba Huân, được chiếu xạ, diệt khuẩn theo công nghệ châu Âu cũng đang từng bước làm thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân Hà Nội…

Trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị chuyên ngành, hai thương hiệu nổi tiếng của TPHCM là Nguyễn Kim và Thế giới di động cũng phát triển không ngừng các điểm bán ở miền Bắc, chính là nhờ cung cách phục vụ tận tình, chu đáo, hàng hóa đa dạng, khuyến mãi lớn. Với nhiều người tiêu dùng trẻ, họ rất thích mô hình được xem hàng hóa một cách thoải mái, tư vấn nhiệt tình của các thương hiệu nói trên. Điều này có thể lý giải, ở Hà Nội đã có nhiều đại gia điện máy như Pico, Trần Anh, nhưng tốc độ phát triển các điểm bán lẻ của Nguyễn Kim cũng như Thế giới di động vẫn rất nhanh và rộng khắp. Chỉ tính riêng các điểm bán của Thế giới di động ở thủ đô Hà Nội đã lên tới 69 điểm vào cuối quý 3-2015.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, người tiêu dùng hai miền luôn có nhiều sự khác biệt. Đa phần người Nam đón nhận sản phẩm mới dễ dàng hơn, nhưng cũng nhanh chóng thay đổi thói quen khiến sản phẩm dễ bị đào thải. Trong khi đó, người Bắc khó tính nhưng một khi đã gắn bó và trải nghiệm sản phẩm thấy hài lòng, họ sẽ trung thành hơn. Vì thế, khi quảng bá cũng như sản xuất sản phẩm cho thị trường mới, nên nghiên cứu kỹ tâm lý người tiêu dùng, lợi thế cạnh tranh, cũng như kẽ hở của thị trường để thành công nhanh hơn. Phong cách phục vụ cũng là một lý do quan trọng quyết định sự thành bại của các DN, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Các DN miền Nam đã biết phát huy lợi thế của mình về phong cách phục vụ để gặt hái thành công ở thị trường miền Bắc, nơi các DN địa phương thường bị mất điểm về thái độ phục vụ.

Nhận định của hầu hết các DN đều cho rằng, thị trường miền Bắc còn rất nhiều tiềm năng. Ngoài việc trình độ sản xuất và khả năng cung ứng hàng hóa chưa cao, còn một yếu tố quan trọng là hàng Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh một thị phần tiêu dùng khá lớn. Trong bối cảnh hàng Trung Quốc còn nhiều vấn đề nghi vấn về mức độ an toàn thì nhiều người tiêu dùng đã quay sang sử dụng hàng trong nước sản xuất. Nhưng như những gì chúng tôi đã phân tích ở trên, để thành công ở thị trường miền Bắc là điều không dễ và cần phải có thời gian nhất định. Mặt khác, các DN cũng cần nghiên cứu kỹ tâm lý, thị hiếu tiêu dùng, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp để chinh phục thị trường. Thực tế cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, “ao nhà” vẫn là bàn đạp, là bệ đỡ vững chắc để các DN phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục