Thông tin từ nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, sức mua ở các thành phố lớn gần như không tăng vì nhiều lý do, trong khi đó, khu vực nông thôn lại tăng khá đã cân bằng lại sản lượng cũng như doanh thu, góp phần ổn định sản xuất cho DN.
Điểm tựa cho hàng Việt
Kết thúc đợt kinh doanh cao điểm các mặt hàng cung ứng cho mùa khai trường 2016-2017, một số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường nói rằng, doanh thu năm nay tăng bình quân khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH May túi xách Hương Mi, đơn vị chuyên sản xuất các loại ba lô, cặp xách học sinh, cho biết, sở dĩ công ty đạt mức tăng 10% là nhờ vào việc phát triển thêm nhiều thị trường mới, ở cả khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Riêng tại TPHCM sản lượng bán ra không tăng. Nguyên nhân chính, ngoài việc sức mua bão hòa do người dân thắt chặt chi tiêu, thì một số hệ thống siêu thị, đặc biệt là siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài ép DN phải tăng mức chiết khấu lên từ 32%-39% tùy sản phẩm. Với cách làm này, Công ty Hương Mi buộc phải rút hàng ra khỏi siêu thị để tránh tình trạng bị lỗ.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tương ớt, tương cà tại Phiên chợ hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức từ ngày 22-8 đến 24-8-2016 tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: KIM THÚY)
Theo ông Trần Bá Dũng, thị trường nông thôn chính là cứu cánh cho Công ty Hương Mi trong việc ổn định sản lượng, tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm mới. Do vậy, trong 3 năm gần đây, Công ty Hương Mi đã dồn lực để tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của người dân từng vùng miền, đồng thời tiến hành ký hợp tác liên kết với các công ty phát hành sách và văn phòng phẩm của các tỉnh để phát triển thêm các điểm bán. Tính đến nay, Công ty Hương Mi đã gầy dựng được chuỗi 50 cửa hàng ở khu vực miền Trung và miền Bắc chuyên phân phối sản phẩm cho công ty. “Trong bối cảnh người tiêu dùng không còn chuộng hàng Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc thì việc liên kết với các địa phương để đưa hàng Việt đến với người mua đã mở ra cơ hội mới cho Công ty Hương Mi. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng từ thị trường nông thôn vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để đứng chân tốt ở nông thôn, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí như bền, đẹp, mẫu mã đa dạng nhưng giá bán phải rẻ. Mặt khác, công tác hậu mãi cũng phải được chú trọng mới tạo niềm tin nơi khách hàng”, ông Trần Bá Dũng nói.
Cùng quan điểm trên, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food (Saigon Food), nhận định: DN Việt Nam cần có giải pháp phát triển mạng lưới phân phối thông qua các kênh truyền thống, cũng như phải xem đây là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Đơn cử, dòng sản phẩm cháo tươi của Saigon Food được đưa ra thị trường cách đây 3 năm và chỉ tập trung phát triển thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị..., nhưng tính đến thời điểm này cũng mới chỉ phát triển được khoảng 600 điểm bán. Trong khi đó, chỉ trong 8 tháng gần đây, khi Saigon Food thay đổi chiến lược, chuyển hướng và bắt đầu xây dựng mạng lưới tại các kênh phân phối truyền thống gồm chợ, cửa hàng thực phẩm, đồng thời vươn ra khu vực ngoại thành thì số điểm bán đã tăng lên nhanh chóng và hiện đã đạt hơn 5.000 điểm. Bà Lâm cho rằng, nếu DN cứ quẩn quanh ở các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ rất khó mở rộng sản xuất, nâng sản lượng và doanh thu cho DN.
Nhiều DN khác cũng cho rằng, việc đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại không chỉ gặp rào cản về chiết khấu và chi phí, mà ở đó hầu hết các nhà bán lẻ đều tập trung phát triển các mặt hàng nhãn hàng riêng, cạnh tranh trực tiếp với nhà cung ứng và DN sản xuất. Do vậy, giải pháp phát triển đa dạng các loại hình phân phối, trong đó tập trung nguồn lực cho khu vực nông thôn và mạng lưới phân phối truyền thống sẽ là hướng đi mới của đại đa số DN. Kinh nghiệm từ nhiều DN cho thấy, khi xây dựng tốt mạng lưới phân phối truyền thống thì doanh thu và lợi nhuận của kênh phân phối này sẽ tăng trưởng cao hơn so với kênh phân phối hiện đại.
Nhu cầu còn rất lớn
Liên quan đến việc sức mua ở thị trường nông thôn, báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đối với ngành hàng tiêu dùng trong quý 2-2016, ngành này đạt mức tăng trưởng 6,3% - mức tăng cao nhất trong suốt 3 năm gần đây. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nông thôn tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất. Tăng trưởng của 12 tháng gần nhất (tính từ tháng 6-2015 đến hết tháng 6-2016) tại thị trường nông thôn đạt mức 7,6%, trong khi đó, khu vực thành thị cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại nhưng chỉ dừng ở mức 6,3% trong quý 2.
Phân tích của ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Công ty Nielsen Việt Nam, cho thấy, dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam chiếm 68%, trong tổng số hơn 90 triệu người dân, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất lớn. Người dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua. Hiện nay, nhiều DN vẫn chưa thực sự khai phá hết các cơ hội tiềm ẩn tại thị trường này. Mặt khác, việc đưa hàng về nông thôn vẫn còn những khó khăn, thách thức do chi phí vận chuyển cao…
Để thành công ở thị trường này, theo ông Dũng, cần có sự tìm hiểu thấu đáo về nhu cầu tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để giành lấy thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, các nhà sản xuất cần phải kết nối và gầy dựng lòng trung thành với những khách hàng ủng hộ cho thương hiệu của họ, để từ đó tận dụng sức mạnh của việc truyền miệng. Đồng thời, họ cũng phải làm việc và gắn kết chặt chẽ với nhà bán lẻ, từ đó xây dựng các nhà bán lẻ thành những đại sứ thương hiệu. Sử dụng sức mạnh của truyền hình đại chúng để có thể cung cấp thông tin đến đại đa số người tiêu dùng ở khu vực nông thôn là một điều hết sức quan trọng để phát triển thị phần tiêu dùng.
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cũng cho rằng, sức mua từ thị trường nông thôn là rất lớn, thể hiện rõ nhất qua hiệu quả của 11 phiên chợ hàng Việt về nông thôn được BSA tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng khách đến tham quan và mua sắm đã lên đến 135.000 lượt người, tương đương doanh thu mỗi phiên chợ đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 4-2017, BSA sẽ phối hợp với các DN cùng các tỉnh, thành tổ chức 70 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, trong đó có 50 phiên ở thị trường miền Nam và 20 phiên ở thị trường miền Bắc. Phần lớn các phiên chợ sẽ được tổ chức vào thời gian trước và sau tết 1 tháng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng khu vực này.
Tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, đồng nghĩa với việc hàng hóa từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Nhưng với lợi thế của người trong nhà, nếu DN chịu đầu tư, tìm hiểu và nắm bắt tốt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất phù hợp, chắc chắn hàng Việt sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc.
THÚY HẢI