Vừa qua, tại Bến Tre đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2015, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là DN của tỉnh Bến Tre và TPHCM. Làm thế nào để tăng sản lượng hàng nông sản của Bến Tre vào các kênh phân phối tại thị trường TPHCM là một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất tại hội nghị.
Giá trị giao dịch đạt 700 tỷ đồng/năm
Bến Tre là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với các sản phẩm nông sản chủ yếu như dừa, trái cây, thủy sản, gia súc, gia cầm, rau củ quả. Bến Tre còn có nhiều sản phẩm chế biến từ dừa rất nổi tiếng như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, dầu dừa nguyên chất, nước dừa đóng hộp, thạch dừa, mặt nạ từ dừa, bánh kẹo từ dừa, các loại trái cây nổi tiếng như bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt. Đặc biệt, 2 sản phẩm là bưởi da xanh, chôm chôm được cung cấp ra thị trường quanh năm, không giới hạn mùa vụ như các loại trái cây khác…
Nhiều mặt hàng xuất khẩu được làm từ dừa Bến Tre
Về vị trí địa lý, từ TPHCM đi Bến Tre chỉ cách 86km, với thời gian đi khoảng 1 giờ 30 phút. Với những thế mạnh này, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, mong muốn được tăng cường hợp tác với TPHCM để tạo điều kiện cho các DN, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh liên kết cung ứng hàng hóa vào mạng lưới phân phối tại TPHCM, từ đó định hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Về chương trình hợp tác, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến nay các DN TPHCM đã thực hiện 32 hợp đồng giao thương hàng hóa, giá trị giao dịch tương ứng 700 tỷ đồng/năm. Một số DN tiêu biểu đã tiếp cận thành công thị trường TPHCM như: Công ty Đông Á, Công ty rượu Phú Lễ, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (các sản phẩm từ dừa), Hộ kinh doanh Trần Thị Tư (trái cây các loại), HTX Bưởi Mỹ Thanh An (bưởi)... Theo đó, TPHCM và Bến Tre còn hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện bình ổn thị trường, thông qua việc kết nối đưa hàng hóa của các DN TPHCM đến với người dân Bến Tre. Sản phẩm trong chương trình này chủ yếu là hàng thiết yếu phục vụ đời sống như gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, sữa, đường, thực phẩm chế biến. Nhờ vậy, hàng hóa, giá cả tại tỉnh cũng ổn định, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, tiềm năng hợp tác giữa 2 địa phương là rất lớn, nhưng thực tế triển khai còn rất hạn chế vì nhiều lý do.
Sẽ ưu tiên cho hàng nông sản Bến Tre
Để tăng cường hợp tác về hàng hóa, các DN phân phối của TPHCM cho rằng, ý thức tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe. Đối với mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP... Đối với các mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến như đường, dầu ăn, bánh kẹo, người tiêu dùng TP luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có uy tín thương hiệu, bao bì đẹp, thông tin rõ ràng. Do vậy, trong định hướng phát triển của ngành công thương, TPHCM sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các mặt hàng sản xuất theo quy trình chất lượng cao, đạt các tiêu chí rõ ràng. Trong quá trình hợp tác, cần sớm loại bỏ tình trạng khi thị trường hút hàng, một số nhà cung cấp đã gom những mặt hàng không đạt chuẩn để bán, làm mất uy tín thương hiệu. Đặc biệt, sản phẩm phải sản xuất theo đúng quy trình quy định...
Tại hội nghị, hầu hết ý kiến lại cho rằng, Bến Tre đều đã hình thành các tổ hợp tác, HTX, DN, các đầu mối sản xuất và thu mua sản phẩm theo chuẩn VietGap, GlobalGAP, để cung ứng nội địa và xuất khẩu sang nhiều thị trường thế giới. Thực tế cho thấy, TPHCM là thị trường có sức mua rất lớn nhưng hiện các DN Bến Tre chỉ mới bán hàng vào được các hệ thống siêu thị nhưng lại chưa tiếp cận được các chợ bán sỉ và lẻ. Nguyên nhân chính là do các chợ chưa có khu vực ưu tiên cho hàng đạt tiêu chuẩn, giá bán còn cao hơn so với hàng thường.
Vấn đề này, các hệ thống siêu thị và đại diện 3 chợ đầu mối của TPHCM khẳng định, sẽ tạo vị trí, điều kiện tốt nhất để tăng lượng hàng hóa của Bến Tre vào TP. Ông Nguyễn Doãn Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, nhìn nhận, không chỉ có thế mạnh cung ứng các loại đặc sản như trái cây, các loại thực phẩm khô mà Bến Tre còn nổi tiếng trong việc trồng hoa và cây kiểng cung ứng cho thị trường. Do vậy, trong định hướng phát triển nguồn hàng, chợ Bình Điền luôn ưu ái cho Bến Tre, thông qua việc bố trí khu vực kinh doanh riêng, nếu các DN đáp ứng được nguồn hàng ổn định với số lượng lớn, chất lượng cao.
Tại hội nghị, các bên cũng thống nhất, điều quan trọng là cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa sản xuất với phân phối để ổn định nguồn cung và giá cả, từ đó định hướng sản xuất đúng. Nói cách khác, hàng đạt chuẩn phải có thương hiệu, có địa chỉ, địa điểm rõ ràng để người tiêu dùng biết và tìm mua mới có thể tăng lượng hàng bán ra trong thời gian tới. Hai bên sẽ tăng cường rà soát DN, đơn vị sản xuất có tiềm năng để nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, các bên sẽ tăng cường tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, vừa để hỗ trợ giao lưu, vừa là diễn đàn để các DN phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm kiếm biện pháp tháo gỡ để sản xuất và phân phối hàng hóa được lưu thông tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và Bến Tre năm 2015, DN của 2 địa phương đã ký kết 12 hợp đồng ghi nhớ cung ứng và bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM ký 2 hợp đồng với Công ty Đông Á và Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới; Công ty TNHH San Hà ký với 2 tổ hợp tác nuôi gà là ông Nguyễn Thanh Hiền và ông Đặng Văn Dũng; ông Bùi Quang Hải, thương nhân kinh doanh thịt heo, chợ đầu mối Hóc Môn ký với tổ hợp tác nuôi heo Phước Sang; ông Đỗ Văn Trí, thương nhân kinh doanh trái cây chợ đầu mối Hóc Môn ký với Công ty TNHH XNK Nhiệt Đới; ông Nguyễn Ngọc Cường, thương nhân kinh doanh trái cây, chợ đầu mối Thủ Đức ký với Công ty XNK trái cây Chánh Thu và Cơ sở Hương Miền Tây; bà Lương Thị Thanh Xuân, thương nhân kinh doanh rau củ quả chợ Phạm Văn Hai ký kết với ông Hồ Văn Tần, Tổ thu mua xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; ông Nguyễn Trọng Kim, thương nhân kinh doanh bánh kẹo chợ Bà Chiểu ký với Công SX-KD tổng hợp Đông Á; bà Trần Thị Nhỏ, thương nhân kinh doanh trái cây chợ An Đông ký với Tổ hợp tác chôm chôm VietGap Tân Thới; ông Nguyễn Ngọc Minh Từ, thương nhân KD rau củ quả chợ Nguyễn Tri Phương ký kết với Hội Nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
HẢI HÀ