Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đóng góp khoảng 47% vào GDP, là khu vực có tốc độ tạo ra việc làm lớn nhất với hơn 54% tổng số việc làm do các thành phần kinh tế tạo ra. Cùng với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã trở thành một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
Đi lên từ sản xuất nhỏ
Có thể thấy trước khi có Công ty Kinh Đô, DNTN Đức Phát hay DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC)…, ngành sản xuất bánh kẹo của VN đã có nhưng khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước còn rất khiêm tốn. Những DN trên từ chỗ sản xuất nhỏ, thủ công đã mạnh dạn đầu tư máy móc, không ngừng học hỏi công nghệ làm bánh tiên tiến trên thế giới, làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng về bánh kẹo do VN sản xuất.
Ngành dệt may luôn mang tiếng là gia công hàng xuất khẩu, nhưng một số DNTN đã định danh được ở các phân khúc thị trường riêng biệt như dệt may Thái Tuấn, Phước Thịnh chuyên về gấm cho giới nữ; thời trang Hạnh nổi tiếng với đồ công sở; Foci, Việt Thy, PT 2000, được giới trẻ nhớ đến nhiều...
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất sợi dệt, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã chứng minh DN trong nước cũng sản xuất được sợi cao cấp, cung cấp cho các công ty dệt trong nước và xuất khẩu. Ở nhiều lĩnh vực khác, DNTN đã chứng minh năng lực vượt trội. Gốm sứ Minh Long I đạt đến trình độ sản xuất mà nhiều quốc gia có thế mạnh về gốm sứ cũng khó thực hiện được.
Một số lĩnh vực công nghiệp được cho không phải thế mạnh của DNVN nhưng họ đã và đang từng bước chứng minh vị thế của mình như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. Về cơ khí, Kiềm Nghĩa chuyên sản xuất các dụng cụ cắt móng chiếm hơn 80% thị phần trong nước. Trong ngành công nghiệp phụ trợ, đã có trên 30 DNTN trở thành nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các DN FDI tại VN như MIDA, Mai Văn Đáng, Tiến Thịnh, Nhật Thành, Phan Sinh…
Thay đổi tầm nhìn quản trị và thị trường
Cùng với việc phát triển nhanh về số lượng, nhận thức về quản trị DN, tầm nhìn thị trường của DNTN ngày càng được nâng lên khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay vì tự bỏ vốn đầu tư tại VN, họ đã hướng đến việc cùng đầu tư hoặc chuyển nhượng quyền sản xuất kinh doanh cho những DN vừa và nhỏ. Công ty Khải Toàn (KTG) sản xuất thiết bị điện và chiếu sáng; Công ty DHC International chuyên đồ nội thất cao cấp, tuy là những DN còn mới mẻ nhưng đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư góp vốn để cùng kinh doanh và thành công.
Hầu hết những DNTN thành công nêu trên, đã chứng minh năng lực quản trị chuyên nghiệp – hiệu quả, thoát ra khỏi kiểu quản lý tùy tiện của mô hình “công ty gia đình” hay kiểu “quản lý tập thể” không ai chịu trách nhiệm của DNNN. Theo một nghiên cứu năm 2009 của Viện Kinh tế Việt Nam, vào năm 2000, với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một DNTN chỉ có thể tạo ra 271 đồng tài sản và 4,4 đồng lợi nhuận thì đến năm 2008, tỷ lệ theo thứ tự đã được tới 398 đồng và 7 đồng. Một sự cải thiện hết sức đáng khích lệ!
DNTN là khu vực có tốc độ tạo ra việc làm lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác. Sau 9 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2008, các DNTN đã tạo ra được 4,3 triệu việc làm, chiếm hơn 54% tổng số việc làm mà các DN chính thức tạo ra và gấp gần 4 lần tổng số việc làm mà các DNNN tạo ra.
Đáng chú ý, mức thu nhập bình quân hàng năm của người lao động vào năm 2000 chỉ là 8,2 triệu đồng (gấp khoảng 1,4 lần GDP bình quân đầu người của năm, tính theo giá năm 2000), đã tăng lên 32 triệu đồng vào năm 2008, gần gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người.
Năng suất lao động của người lao động trong DNTN đã được cải thiện đáng kể. Mức doanh thu trung bình do một người lao động trong các DNTN tạo ra đã tăng gấp 3, từ 225 triệu đồng vào năm 2000 lên tới 710 triệu đồng vào năm 2008.
Theo bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế nhiều nhất VN (V-1000), số lượng DNTN chiếm khoảng 33%, ngang với DN nhà nước và DN FDI. Điều này cho thấy họ đã quản lý sản xuất kinh doanh tốt để mang lại hiệu quả cho DN và đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Được chơi trên cùng một sân
Khu vực kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đối thoại với các cơ quan nhà nước trong các vấn đề liên quan đến hoạch định chính sách. Đáng mừng là nhiều ý kiến của họ trong thời gian qua nhận được phản hồi rất tốt, các cơ quan trung ương và địa phương còn khuyến khích họ chủ động hiến kế, đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa có nhiều những DN thực sự lớn mạnh. Những hạn chế khách quan từ môi trường kinh doanh, vốn, nguồn nhân lực… là những lực cản làm cho các DNTN khó có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những đầu tàu của nền kinh tế hoặc cho toàn bộ khu vực tư nhân.
Để có những DN thực sự khỏe mạnh trong bối cảnh hậu WTO, việc cần thiết là nuôi dưỡng phát triển đội ngũ DNTN. Bởi lẽ, sinh ra và lớn lên trong môi trường cạnh tranh và từ chính túi tiền của mình, họ phải đánh đổi những quyết định kinh doanh bằng chính tính mệnh của mình nên chỉ những DNTN có sức cạnh tranh lành mạnh mới có thể tồn tại.
Hơn nữa, gia nhập WTO, chúng ta chỉ có một sân chơi duy nhất. Điều này đồng nghĩa kinh tế nhà nước cùng với các thành phần kinh tế khác, trong đó có DNTN, cũng sẽ “được chơi” trên cùng một sân. Hiểu và hành động như vậy thì vai trò và vị trí của DNTN trong thời kỳ mới sẽ khác.
Thúy Hải – Vân Khánh