Trong phiên khai mạc Quốc hội (QH) hôm qua 21-3, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo của Chính phủ bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 5 giải pháp điều hành kinh tế.
Tình hình trở nên khó khăn hơn
“Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2011 ước đạt khoảng 5,5%, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mặc dù tốc độ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2010. Tình hình trong nước và quốc tế đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm lại và chưa ổn định; lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu cơ bản tiếp tục tăng. Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông; thiệt hại nặng nề do động đất và sóng thần ở Nhật Bản ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội khu vực và toàn cầu” - báo cáo của Chính phủ phân tích.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 tăng 1,74%; tháng 2 tăng 2,09%; tháng 3 ước tăng 2,2%; trong quý 1-2011 ước tăng 6%. “Lạm phát tăng cao do cộng hưởng của các yếu tố: lạm phát toàn cầu tăng, nhất là giá lương thực, giá vàng, giá dầu thô; hệ quả của các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong thời gian qua; ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung. CPI tăng cao trong điều kiện phải thực hiện chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Cùng với lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân” - Phó Thủ tướng thừa nhận.
Giảm đầu tư công, chống đầu cơ
Từ thực tế đó, Chính phủ đã đề ra 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó nhấn mạnh:
Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ sẽ hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% - 16% nhưng vẫn bảo đảm bố trí vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng.
Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7% - 8% so với dự toán năm 2011 đã được QH thông qua. Rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011. Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia.
Thứ ba, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu: phấn đấu năm 2011 nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu QH thông qua là 18%). Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường. Bảo đảm việc tăng giá bán hàng phải được giám sát và phải hợp lý, đúng quy định; tăng cường chống đầu cơ, nâng giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo.
Về điều chỉnh giá điện, Chính phủ nêu rõ, giá điện thời gian vừa qua bằng khoảng 60% - 70% giá thành. Đầu tháng 3-2011, Chính phủ đã điều chỉnh một bước giá điện tăng thêm 165 đồng/kWh (tương đương tăng 15,28%). Đồng thời, thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo 30.000 đồng/hộ/tháng. Với mức giá này, doanh nghiệp điện chưa có lãi và các khoản lỗ lũy kế trước đây còn lùi lại chờ xử lý sau.
Đối với xăng dầu, Chính phủ giải trình, giá xăng dầu đã có căn cứ để vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên để thực hiện yêu cầu bình ổn giá trước Đại hội Đảng XI, Tết Tân Mão nên giá bán xăng tạm thời chưa điều chỉnh. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước tiếp tục không thu thuế nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa có lãi nhưng cũng không bị lỗ. Với cách điều hành này, khi giá xăng dầu quốc tế ở mức thuận lợi, Nhà nước sẽ tiếp tục giữ giá, điều chỉnh thuế, doanh nghiệp có lãi hợp lý và tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới.
Lâm Nguyên
Sai phạm tại Vinashin chưa đến mức phải thi hành kỷ luật
Về Vinashin, báo cáo Chính phủ nêu rõ, khó khăn thách thức còn nhiều nhưng những kết quả bước đầu cho thấy việc tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị là đúng hướng. “Tập đoàn sẽ vượt qua được khó khăn, tiếp tục tái cơ cấu, trả nợ và phát triển” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Về việc kiểm điểm trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Vinashin, Phó Thủ tướng cho rằng, sau khi làm rõ, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: Các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự. Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay công tác điều tra về những sai phạm tại Vinashin đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.