Doanh nhân trẻ ấy giờ này ở đâu?

Ngày 30-4-1975, Sư đoàn 5 tiến vào giải phóng Long An và quân quản Sài Gòn. Một tháng sau, chúng tôi hành quân về đứng chân ở căn cứ Bến Kéo (Tây Ninh) khi biên giới Việt Nam và Campuchia đang biến động.

Ngày 30-4-1975, Sư đoàn 5 tiến vào giải phóng Long An và quân quản Sài Gòn. Một tháng sau, chúng tôi hành quân về đứng chân ở căn cứ Bến Kéo (Tây Ninh) khi biên giới Việt Nam và Campuchia đang biến động. Để chuẩn bị cho Đại hội thi đua Sư đoàn vào cuối năm ấy, tôi được phân công trở lại Sài Gòn in tập sách Dũng sỹ đường 4 nói về những chiến công của Sư đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ cắt đứt đường 4, cô lập miền Tây, tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Tôi đến nhà in Khắc Hạnh tại số 318 đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần, quận 3). Nhà tư sản (bây giờ gọi là chủ doanh nghiệp), một người trẻ tuổi tên là Lê Hoàng tiếp tôi thật thân tình. Khác với những gì tôi đã hình dung về một nhà tư sản qua sách báo và thông tin truyền miệng, trước mặt tôi là một con người hiểu biết, lịch lãm và phóng khoáng.

Là cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn, tôi say sưa nói chuyện với anh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cả về tương lai gần của Việt Nam. Lê Hoàng chăm chú lắng nghe, không bình luận gì. Sau hơn 2 tuần in sách, khi sắp chia tay về đơn vị, Lê Hoàng mời tôi lên Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) thăm trang trại của anh. Đó là một vườn cây ăn trái khoảng 10ha, có hàng chục công nhân vun trồng, chăm sóc. Ngồi trên tầng hai của tòa nhà, giữa một rừng cây trĩu quả, Hoàng tâm sự với tôi nhiều điều, toàn chuyện kinh tế, xã hội. Hình như anh cố né không nói chuyện chính trị, nhưng thấy tôi cởi mở, Lê Hoàng mạnh dạn tâm sự. Hoàng bảo rằng, bức tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà “anh Hai” (Lê Hoàng biết tôi là con cả nên gọi theo cách phân ngôi của Nam bộ) vẫn nói là một bức tranh đẹp; song đối với nước ta hiện nay, để trở thành hiện thực thì không dễ. Có nhiều nguyên nhân - Hoàng lý giải, trong đó có cơ sở vật chất chưa đủ đảm bảo, đặc biệt là nhân tố con người chưa đáp ứng. Ngừng một lát, Hoàng nói tiếp, “điều này anh đừng giận, không hiểu vì sao gần đây, những người giỏi, người giàu đang ngấm ngầm rủ nhau đi nước ngoài hết. Vì thế nguồn lực để đóng góp cho Nhà nước và cơ hội giúp người nghèo sẽ rất khó khăn”…

Đến bây giờ, sau 41 năm thành phố giải phóng, sự nghiệp đổi mới đã qua chặng đường 30 năm, thực tiễn giúp chúng ta nhận ra rằng những gì mà nhà tư sản trẻ Sài Gòn bộc bạch hơn 40 năm về trước thật trí tuệ, thẳng thắn và đáng trân trọng.

Tuy thời gian bên cạnh Hoàng không nhiều, nhưng chúng tôi có thêm mấy kỷ niệm khó quên:

Nhớ lại, một hôm đang ăn sáng với Lê Hoàng, tôi thấy anh gọi một  công nhân đến căn dặn: Hôm nay là ngày giỗ cụ thân sinh của chú, tôi cho chú nghỉ một ngày để lo hương khói cho cụ. Tôi đã chuẩn bị một giỏ trái cây và chai rượu, nhờ chú đặt lên bàn thờ thắp nhang tưởng nhớ cụ. Người công nhân cảm động nhận quà, cúi gập người cảm ơn Lê Hoàng và cả tôi nữa.​

Ít ngày sau, tôi được về quê nghỉ phép sau gần 9 năm xa nhà đi chiến đấu. Đến trạm khách T67 (Quân khu 7) chờ 2 ngày vẫn chưa có xe. Sang ngày thứ 3, tôi tranh thủ đến thăm Lê Hoàng, hai anh em trò chuyện và ăn trưa. Gần 3 giờ chiều tôi trở về trạm, thì mọi người đã lên xe ra Bắc từ lúc 10 giờ. Đồ đạc của tôi anh em đã đưa hết lên xe. Tôi chỉ kịp hỏi một số thông tin, rồi vẫy xe lam chạy đến Lê Hoàng. Thấy tôi lo lắng, Lê Hoàng cười vui: Anh Hai yên tâm, chờ tôi xử lý mấy việc xong, sẽ lấy xe nhà chở anh Hai đuổi theo đơn vị. Hai anh em chạy cả ngày lẫn đêm, đến gần Nha Trang mới gặp đoàn.

​Đầu năm 1980, biết tôi thông thạo đất và người phương Nam, lãnh đạo Sở Xây dựng Nghệ Tĩnh cử tôi đi mua gạo để cải thiện đời sống cho cơ quan. Vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến thăm Lê Hoàng. Đến nơi, tôi ngỡ ngàng khi nhà in Khắc Hạnh đã được thay bằng biển hiệu: “Hợp tác xã tiêu thụ Quận 3”. Hỏi thăm về Lê Hoàng, chủ  nhà in “Khắc  Hạnh” thì được biết: Lê Hoàng đã bỏ đi nước ngoài từ đầu năm 1979. Tôi lặng người vì hối tiếc, thế là tôi mất một người bạn tốt.

Hơn 40 năm rồi, đất nước ta đã trải qua chặng đường đầy thách thức để khẳng định mình. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, trong đó có bà con kiều bào ta ở nước ngoài. Không biết trong dòng người trở về ấy, có “nhà tư sản” trẻ Lê Hoàng mà tôi đã gặp với nhiều dấu ấn tốt sau ngày Sài Gòn giải phóng hay không? Doanh nhân trẻ ngày xưa ấy giờ này đang ở đâu? Tôi mong chờ ngày gặp lại.

LÊ DOÃN HỢP
(Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông)

Tin cùng chuyên mục