Độc đáo các bản dịch Tam quốc diễn nghĩa

Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) là trường hợp rất đặc biệt trong ngành sách ở Việt Nam. Tiểu thuyết này được dịch và in từ những năm đầu thế kỷ 20 để truyền bá chữ quốc ngữ. Đây là tiểu thuyết được nhiều người dịch nhất, nhiều nhà in nhất, nhiều người yêu thích nhất…
Độc đáo các bản dịch Tam quốc diễn nghĩa

Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) là trường hợp rất đặc biệt trong ngành sách ở Việt Nam. Tiểu thuyết này được dịch và in từ những năm đầu thế kỷ 20 để truyền bá chữ quốc ngữ. Đây là tiểu thuyết được nhiều người dịch nhất, nhiều nhà in nhất, nhiều người yêu thích nhất…

Một trưng bày quy mô với hơn 100 ấn bản của truyện Tam quốc diễn nghĩa đang diễn ra ở nhà sách Cá Chép (số 223 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM). Tại đây, công chúng được khám phá rất nhiều điều độc đáo về quá trình truyền bá quốc ngữ, về ngành xuất bản, tư liệu văn bản học... ở Việt Nam.

Độc giả được chiêm ngưỡng bộ Tam quốc diễn nghĩa do Nhà xuất bản Imprimerie de l’opinion tại Sài Gòn xuất bản năm 1907, người dịch là ông Nguyễn Liên Phong, người bỏ tiền xuất bản là ông Đinh Thái Sơn. Đây là bản in Tam quốc diễn nghĩa đầu tiên ở Việt Nam dưới dạng ấn phẩm sách. Trước đó, Tam quốc diễn nghĩa lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt ở trang 4 báo Nông cổ mín đàm ra ngày 1-8-1901, do ông Lương Khắc Ninh dịch.

Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa do Công ty Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2016

Một điều thú vị là việc dịch và in bộ Tam quốc diễn nghĩa nhằm tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ. Điều ấy được thể hiện ở bản in năm 1909, người dịch là ông Phan Kế Bính, người hiệu đính là ông Nguyễn Văn Vĩnh, do Nhà xuất bản Imprimerie-Express ở Hà Nội xuất bản, có hình vẽ minh họa, khổ 10,5cm x 16cm. Trong lời tựa, do ông Nguyễn Văn Vĩnh viết, có đoạn: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Tiếp đó, ông ca ngợi: “Chữ đâu hay thay! Mà dễ học thay! Gốc hai mươi ba chữ, năm dấu soay (xoay) vần, mà tiếng nước Nam bao nhiêu cũng viết được đủ…”.

Dấu ấn của ngành xuất bản cũng được thể hiện rất rõ qua việc in Tam quốc diễn nghĩa. Có thể thấy rằng ngay từ những lần in đầu tiên, vấn đề bản quyền, đã xuất hiện. Thế nên, trên bìa các bản in của Tín Đức thư xã ở Sài Gòn (xuất bản ít nhất 4 lần tính đến thời điểm trước năm 1930, trên bìa ghi tên người dịch là ông Nguyễn An Cư, trọn bộ 31 cuốn, giá bán mỗi cuốn một cắc bạc hoặc tám xu. Các bản in vào các năm 1949, 1957, 1962, Tín Đức thư xã in gộp thành một cuốn, dày hơn 1.000 trang) đều có hàng chữ “Cấm in trùng” và “Cuốn nào không có dấu riêng của nhà xuất bản là đồ gian”. Còn bộ Tam quốc diễn nghĩa gồm 38 tập, giá bán 15 xu/tập, tổng cộng hơn 1.500 trang, in năm 1930 ở Sài Gòn, người dịch là Nguyễn Chánh Sắt, nhà in Nguyễn Văn Viết ở số 85-87, đường d’Ormay xuất bản, còn gay gắt hơn. Cuối mỗi tập, nhà xuất bản đều đăng “Lời rao cần kíp” kêu gọi độc giả hãy mua sách “xịn” in đủ trang, chứ “đừng ham rẻ mà mua của nhà xuất bản khác bị thiếu trang thì sách sẽ không còn giá trị…”.

Sức hấp dẫn của truyện Tam quốc diễn nghĩa đã kéo rất nhiều người dịch và người làm xuất bản vào cuộc. Năm 1933, nhà in Tân Dân thư quán ở số 93, phố Hàng Bông, Hà Nội xuất bản bộ Tam quốc với tên dịch giả Nghiêm Xuân Lãm. Năm 1952, xuất hiện bản in Tam quốc chí bằng chữ quốc ngữ nhưng xuất bản tại… Paris, Pháp, tên người dịch là Hồ Hải Lãng Nhân. Năm 1960, ở miền Nam xuất hiện một bản dịch Tam quốc diễn nghĩa đáng chú ý của Tử Vi Lang, do nhà xuất bản Á Châu xuất bản, in thành 8 tập, nhiều tranh minh họa, có lời bình và phần ngoại thư ở cuối sách. Đây cũng là một trong những ấn bản hiếm hoi của Tam quốc diễn nghĩa xuất bản ở phía Nam có bài từ mở đầu, thêm phần dịch nghĩa và dịch theo nguyên điệu Tây Giang nguyệt…

Mỗi người dịch một vẻ, mỗi nhà in một kiểu, đều có cái độc đáo riêng, nhưng tính đến nay, những người yêu Tam quốc diễn nghĩa vẫn thống nhất rằng bản dịch của ông Phan Kế Bính, hiệu đính của ông Bùi Kỷ, Nhà xuất bản Phổ thông in năm 1959-1960 là tuyệt tác trên phương diện dịch thuật, được hiệu đính kỹ lưỡng, cẩn trọng.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục