Không biết trên trái đất này, có dân tộc nào giành độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lại đổ nhiều máu và nước mắt như dân tộc Việt Nam? Không biết trên trái đất này, có nơi nào lại được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều cảnh quan, kỳ vĩ như dãy Trường Sơn trên đất nước Việt Nam?… Những câu hỏi ấy cứ miên man trong đầu tôi khi cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy đi trên con đường mang tên một người bạn chiến đấu của ông - liệt sĩ Quách Xuân Kỳ, thời Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên đất Quảng Bình đầy nắng và gió.
Một
Cách đây 40 năm, vào một đêm đông giá buốt, tôi đã cùng đồng đội hành quân qua đây. Trong ánh trăng thượng tuần bàng bạc, dòng Nhật Lệ như chiếc khăn màu mỡ gà của cô gái Quảng Bình mặc áo tím mà tôi gặp chiều nay trước khi xuống tàu hành quân ra mặt trận. Thế mới biết trái tim con trai 18 thật nhạy cảm. Chỉ có thế thôi mà ánh mắt ấy, màu tím hoa sim và màu trứng gà bóc vỏ ấy cứ đằng đẵng theo tôi suốt mấy chục năm trời. Lần này, tôi trở lại Quảng Bình cùng những người bạn chiến đấu thời đánh Mỹ để làm công việc đền ơn, đáp nghĩa. Với sự giúp sức của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam và các nhà tài trợ, chúng tôi đến những ngõ ngách thẳm sâu của con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, cùng bộ đội biên phòng xây dựng những mái ấm biên cương, những trạm xá quân dân y kết hợp và cả những đền thờ, tri ân các hương hồn liệt sĩ.
Điều may mắn nhất, tôi được đi cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Sinh ra trên đất Bố Trạch (Quảng Bình) trước ngày thành lập Đảng, mẹ mất sớm, cha vào Quảng Ngãi dạy học, cậu bé Hy đã sớm tự lập và rất ham đọc sách. 16 tuổi, Phan Khắc Hy đã đọc Khổng Tử, Lão Tử, Các Mác và thơ của những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu… Ảnh hưởng bởi các nhà tư tưởng và cách mạng ấy, năm 1943, Phan Khắc Hy rủ người bạn thân là Quách Xuân Kỳ xuất dương làm cách mạng. Nhưng ý định chưa thành thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Phan Khắc Hy tham gia khởi nghĩa trên chính quê hương mình. Ông làm đủ thứ việc từ Ủy viên Việt Minh xã, BCH thanh niên cứu quốc huyện đến Huyện đội trưởng, Bí thư Huyện ủy, Tỉnh đội trưởng rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình...
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chuyển hẳn sang quân đội, giữ trọng trách trong quân chủng phòng không - không quân. Khi thành lập binh chủng Không quân, ông được giao làm Chính ủy, cùng các ông Nguyễn Văn Tiên, Đào Đình Luyện… xây dựng bộ đội không quân tham gia đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, ông làm Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, cùng các ông Đồng Sỹ Nguyên, Hoàng Thế Thiện… đưa những đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bây giờ sau mấy chục năm trở lại quê hương cũng là chiến trường cũ, những kỷ niệm một thời chiến tranh không thể nào quên đối với ông. Ông giới thiệu với chúng tôi từng địa danh đã thấm đẫm máu xương đồng đội.
Tôi nhớ mãi trong chuyến đi ấy, đêm trước khi động thổ khởi công xây dựng đền thờ Liệt sĩ bên cầu Long Đại, Tỉnh đoàn Quảng Bình, đơn vị được giao làm chủ đầu tư công trình tổ chức đêm cầu siêu hương hồn liệt sĩ. Trong khói hương và ánh đèn huyền ảo, rõ ràng tôi thấy Thiếu tướng Phan Khắc Hy như người mộng du. Ông gặp lại những người bạn chiến đấu, những người lính một thời đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và ngay cạnh bến phà Long Đại đầy máu xương này. Ông trò chuyện với họ như chưa hề có cuộc chia ly. Dường như qua cuộc trò chuyện ấy ông có thêm sức mạnh. Dù đã hơn tám chục tuổi, bàn chân ông vẫn cứ dẻo dai khi thăm lại chiến trường cũ. Với vị trí Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ông nhận lời làm cố vấn cho chúng tôi trong chương trình Nghĩa tình Trường Sơn…
Đêm đã khuya, trên con đường dọc sông Nhật Lệ mang tên người bạn chiến đấu của ông, Thiếu tướng Phan Khắc Hy như quên đi tuổi tác, ông sôi nổi bàn với chúng tôi về những chuyến đi trở lại con đường Trường Sơn huyền thoại…
Hai
Bù Gia Mập vừa là tên xã, vừa là tên huyện. Từ TPHCM đến xã Bù Gia Mập, nơi chúng tôi cùng bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước xây dựng trạm xá quân dân y tặng đồng bào dân tộc Stiêng đi ô tô phải gần 7 tiếng đồng hồ. Cũng như Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Trung tướng Lê Mạnh, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 nặng lòng với đồng đội, cùng chúng tôi hành quân lên biên giới làm việc đền ơn, đáp nghĩa.
Đêm ấy ở Đồn biên phòng Đắc Ơ, chúng tôi đã có đêm lửa trại thật ấn tượng. Đã lâu lắm rồi mới được ngủ võng và được nghe tiếng suối, tiếng chim rừng văng vẳng nơi xa. Thời chống Mỹ, tôi chiến đấu ở Sư đoàn 5. Gần 20 năm sau, ông Lê Mạnh cũng về Sư đoàn 5. Nhưng chúng tôi khác nhau rất xa. Tôi về sư đoàn làm trung đội trưởng, còn ông Lê Mạnh về làm sư đoàn trưởng. Có lẽ thế, câu chuyện giữa chúng tôi cứ mặn mà, không dứt. Trung tướng Lê Mạnh kể cho tôi nghe những kỷ niệm một thời đánh giặc của ông. Cũng giống như các vị tướng khác, mỗi khi nhắc lại đồng đội, những người đã mãi mãi đi xa, tôi thấy mắt ông đỏ hoe. Người xưa có câu: Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Để có một ông tướng thành danh gắn liền với những trận đánh ác liệt đã có hàng ngàn, hàng vạn người lính nằm xuống. Thân thể họ đã biến thành đất đai của Tổ quốc. Và như thế, trở lại Trường Sơn làm việc nghĩa tình của các vị tướng và những người lính còn sót lại sau chiến tranh cũng là điều dễ hiểu.
Cách đây 5 tháng, tôi lên làm lễ khởi công công trình tình nghĩa này. Lúc ấy, nơi đây là một bãi đất hoang. Bây giờ, một khu nhà mới khang trang mọc lên. Tôi nhận ra những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng của những bà mẹ Stiêng trong ngày lễ khánh thành trạm xá. Nước mắt mừng vui, hạnh phúc. Trung tướng Lê Mạnh và người con gái có dáng nhanh nhẹn, dễ gần, đại diện cho đơn vị tài trợ cứ nói chuyện với nhau không dứt. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã vượt ra khỏi dự kiến ban đầu. Nó thực sự đã có sức hút toàn xã hội. Ai cũng muốn gửi gắm tình cảm và trách nhiệm của mình thông qua chương trình này để đền ơn, đáp nghĩa với đồng bào, đồng chí, với những người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của mọi người…
Chuyện kể rằng, cách đây hơn 66 năm, khoảng cuối tháng 7 năm 1945, tại lán Nà Lừa (Tuyên Quang), Bác Hồ ốm nặng. Người đã uống ký ninh và thuốc cảm, nhưng vẫn sốt cao và luôn mê sảng. Tình thế cách mạng lúc ấy thời cơ đã đến. Một hôm, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên báo cáo công việc. Thấy Bác mệt, đồng chí Võ Nguyên Giáp không dám báo cáo và xin được ở lại bên Người. Nửa đêm tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Nghe theo lời dạy của Bác, cả nước ra trận và trong số ấy đã có hàng vạn người nằm lại Trường Sơn, đổi cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thống nhất, chúng ta không bao giờ quên ơn những người con trung dũng ấy. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là một trong những chương trình đền ơn, đáp nghĩa. Và như thế, nó đã có sức sống riêng hướng về con đường huyền thoại. Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã tâm sự với chúng tôi như thế giữa đêm khuya thanh vắng trên đại lộ mang tên người bạn chiến đấu của ông.
Đêm 1-9-2011
Ghi chép của Trần Bảo Trân