Cuốn tiểu thuyết Thành Kỳ Ý ra mắt chưa được bao lâu đã bị độc giả vạch ra rất nhiều chi tiết sao chép từ nhiều cuốn sách và nhiều bài báo xuất bản trước đó.
Thành Kỳ Ý là tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử lấy bối cảnh Đại Việt thế kỷ 15, triều đại Lê Sơ. Sách dày 332 trang do Công ty Comicola, Đông A và NXB Văn Học phối hợp ấn hành theo hình thức gây quỹ cộng đồng (độc giả tự quyên góp tiền đạt đến một mức đủ để xuất bản cuốn sách được đề xuất từ ý tưởng trước đó).
Tác giả của cuốn sách này là Linh - San, bộ đôi tác giả Lê Ngọc Linh (sinh năm 1987, cựu sinh viên Đại học Mở, Hà Nội, hiện sống tại Sydney, Australia) và hoạ sĩ San - Bùi Hải Bình (sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM).
Với việc ra mắt Thành Kỳ Ý, tác giả cuốn sách đã được vinh danh là một trong “những con người đang nhân lên niềm vui cống hiến” trong chương trình “TÂM - THẾ bừng khát vọng” phát sóng 19 giờ 50 ngày 8-2 (Mùng 1 Tết Bính Thân) trên kênh Hà Nội 1.
Đáng tiếc, chưa được bao lâu, cuốn sách đã bị độc giả vạch ra rất nhiều chi tiết sao chép từ nhiều cuốn sách, bài báo, bài viết xuất bản trước đó.
Nhiều diễn đàn trên mạng đã chụp hình nhiều trang giống nhau một cách kỳ lạ giữa cuốn Thành Kỳ Ý và cuốn Tứ Thư Bình Giải (tác giả Lý Minh Tuấn, NXB Tôn Giáo, 2010), cũng như với nội dung nhiều bài báo, bài viết khác.
Bìa cuốn sách Tứ Thư Bình Giải và Thành Kỳ Ý
Cụ thể, trang 79 của Thành Kỳ Ý sao chép gần như nguyên văn trang 72 của Tứ Thư Bình Giải nhưng không có một dòng chú thích nào.
Hay ở trang 114 của tiểu thuyết, đoạn tả hoa mai của một nhân vật nữ - “Mai trắng tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, hoa nhỏ nhưng đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Các nhà Nho gặp thời loạn lạc thường ví mình như cành mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão mai, mong muốn tuổi già khoẻ mạnh, trường thọ. Vóc dáng của mai được ví như người con gái quyền quý, khuê các” - không khác một chữ nào khi so với đoạn tả hoa mai trong bài “Mai trắng với văn hóa Việt” của tác giả Vũ Huy Thành đăng ngày 23-1-2012 trên báo điện tử Dân Trí.
Trang 132 của Thành Kỳ Ý lại sao chép nguyên văn đoạn mô tả nghi thức cúng dường trong bài “Cúng Quá Đường” của tác giả Thích Nguyên Tạng đăng ngày 21-7-2010 trên website Thư viện Hoa Sen.
Và còn rất nhiều chỗ được nhiều độc giả cho rằng đã sao chép, chẳng hạn: Trang 151 của Thành Kỳ Ý sao chép hầu như toàn bộ nội dung trang 358 cuốn Tứ Thư Bình Giải; một đoạn trang 135 giống đoạn ở trang 22 Tứ Thư Bình Giải; 3 đoạn ở trang 152 và 153 của Thành Kỳ Ý giống 3 đoạn ở trang 428 và 429 Tứ Thư Bình Giải…
Hai trang có nội dung khá giống giữa Thành Kỳ Ý và Tứ Thư Bình Giải. Nguồn: VNIPR
Bức xúc trước những lổn nhổn “sạn” của cuốn tiểu thuyết, facebooker Thanh Levy thẳng thắn góp ý trên Fanpage THÀNH KỲ Ý: “bản thân các nguồn trích dẫn chứng minh TKY (Thành Kỳ Ý) đạo văn thực sự…, đúng từng câu từng chữ, từng dấu câu chấm phẩy so với các sách khác từng được xuất bản. Vậy lời giải thích cho việc này? Trùng ý tưởng?... Trong thế giới văn học, việc giống nhau đến 99,99% vậy, thế giới xác định là đạo văn…, hơn nữa người đọc thật sự thuộc rất nhiều giới, đọc nhiều sách, học nhiều ngành nghề, hiểu biết sâu và rộng và khó bị đánh lận con đen…”
Trước những bình luận trách móc của các facebooker, admin của Fanpage THÀNH KỲ Ý đáp trả rằng: Có một số trích đoạn sẽ khó có thể đưa footnote (chú thích) vào, do nguồn tư liệu chưa được chắc chắn (?!)… Có thể tác phẩm chưa được chú thích đầy đủ trong các đoạn trích dẫn, việc này bên biên tập sẽ thực hiện trong các lần chỉnh sửa bổ sung sau.
Phần trả lời này lại bị các facebooker “dồn vào chân tường” khi hỏi khó lại rằng: thế nào là “nguồn tư liệu chưa được chắc chắn”? Và sau đó, là sự im lặng kéo dài của admin Fanpage THÀNH KỲ Ý, dù rằng từ ngày 9-2 Fanpage này hứa sẽ “post 1 bài đầy đủ thông tin các thắc mắc của bạn đọc vào một ngày sau tết”.
Thế nhưng cho đến hiện nay, “ngày sau tết” ấy vẫn chưa đến.
| |
LÂM AN