Đọc “Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc”

Sau quyển Thời gian ăn tôm hùm  của tác giả Bang Hyun Suk, xuất bản năm 2006, Nhà xuất bản Hội Nhà văn lại tiếp tục bắc nhịp cầu cho bạn đọc nước nhà đến với cuộc sống và con người Hàn Quốc đương đại qua tuyển tập Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc * của nhiều tác giả.
Đọc “Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc”

Sau quyển Thời gian ăn tôm hùm  của tác giả Bang Hyun Suk, xuất bản năm 2006, Nhà xuất bản Hội Nhà văn lại tiếp tục bắc nhịp cầu cho bạn đọc nước nhà đến với cuộc sống và con người Hàn Quốc đương đại qua tuyển tập Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc * của nhiều tác giả.

Đọc “Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc” ảnh 1

Các tác giả của tuyển tập Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc đề cập đến nhiều mảng khác nhau trong cuộc sống của người Hàn Quốc trải ra từ hậu bán thế kỷ XX cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI ngày nay. Tính chất hiện đại của tác phẩm chính là ở chỗ các tác giả vừa đi vào ngõ ngách tâm hồn sâu thẳm của cá nhân, vừa hướng ngoại với những nhận thức tỉnh táo.

Với hình thức nhật ký, tác giả Shin Kyung Suk, trong truyện Chuyện mảnh sân, đã khắc sâu thành ấn tượng cái yếu tố cơ bản tạo nên tâm hồn mỗi người, đó chính là tình cảm gia đình. Chuyện mà không có chuyện, chỉ là những dằn vặt của một nữ văn sĩ tự nhận biết “sở dĩ mình sợ hãi cuộc đời sớm như vậy là vì đã từng có một cuộc biệt ly đau đớn, hay vì một cái gì đó đại khái như thế”.

Cuộc biệt ly đau đớn vì chia tay với người yêu dấu, và cái gì đó đại khái như thế là sự đối diện với lương tâm, bởi cô đã vô tình gây ra cái chết thương tâm cho đứa em gái út bảy tuổi. Từ đó, hình ảnh đứa em gái nhỏ ôm con gà cứ mãi đi theo cô như một ám ảnh nặng nề. Thông điệp gửi đến bạn đọc chính là: hãy sống bao dung, bao dung với người và bao dung với chính bản thân thì mới thấy “lòng mình trở nên yên ắng”.

Cũng với hình thức nhật ký, truyện Thời đại trữ tình của tác giả Eun Hy Kyung thì lại đưa người đọc ở lứa tuổi vừa bước vào ngưỡng cửa đại học hướng nội để khám phá chính mình qua tâm trạng của một cô gái 19 tuổi, mãi đến hai mươi năm sau mới hiểu được sự thật tại sao nụ hôn của mối tình đầu thất bại. Còn Chuyện vượt biên giới  của Jeon Seong Tae lại ít nhiều mang tính dự báo qua cái nhìn hướng ngoại, thông qua tình yêu chóng vánh – nếu có thể gọi được như vậy – giữa cô gái trẻ Nhật Bản Naôkô và chàng trai người Hàn Quốc Park.

Chính sự u uẩn và cô độc đã xóa đi sự thù hận có tính chất truyền kiếp giữa hai dân tộc Nhật – Hàn. Vấn đề được đặt ra trong Biển và cánh bướm – truyện được Kim In Suk viết vào khoảng thập niên cuối của thế kỷ XX đã qua – đối với xã hội Việt Nam trong thế kỷ này, vẫn nóng hổi tính thời sự: “nhu cầu” lấy chồng Hàn Quốc.  

Bạn đọc Việt Nam cũng rất gần gũi với hình ảnh những người nông dân xứ Hàn trong truyện Anh Kim làng tôi của Lee Mun Gu. Cảm động làm sao trước những suy nghĩ tích cực của họ: “Trước tiên, phải sửa đổi cái suy nghĩ rằng nếu hạn hán thì tại ông trời, còn nếu lũ lụt thì tại quan chức chính phủ…”. Và mâu thuẫn giữa địa phương đang lo về nước tưới tiêu với trung ương đang khư khư lo bảo vệ nguồn điện, bên cạnh đó là sự lãnh đạo còn ít nhiều non kém gây nên cảnh dở khóc dở cười ở nông thôn vào những năm 1970 ở xứ sở Kim chi gợi lên bóng dáng nông thôn nước ta...

Vấn đề cơm áo là vấn đề thiết thân của bất cứ ai, ở bất kỳ đâu trên hành tinh này. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, là thời kỳ diễn ra phong trào dân tộc dân chủ ở Hàn Quốc, các tác giả Bang Hyun Suk, Kim Young Hyun, Kim Nam Il đề cập vấn đề này bằng các phong cách khác nhau trong các truyện Sông sâu chảy xa, Việc làm, miếng ăn và tự do và đặc biệt là truyện Xuất trận lúc bình minh.

Tác giả cho thấy được nỗi bức xúc về cuộc sống của người công nhân: “Ven đầm lầy, chỗ nào cũng thấy rác thải của nhà máy được vứt trộm vào ban đêm chất như núi. Mùi của rác rưởi, nước thải, nước cống… trộn lẫn với mùi muối sộc lên mũi”. Nhưng điều đáng nói hơn trong tác phẩm của Bang Hyun Suk không phải dừng lại ở đó, mà là vấn đề đấu tranh vì cuộc sống cho ra con người, chứ không phải vì tham vọng vật chất. Và vì vậy mà cuộc đấu tranh tất yếu không tránh khỏi sự đổ máu, sự mất mát, hy sinh.

Vật chất rất cần nhưng đó chưa phải là tất cả, điều này không mới nhưng cách thể hiện của Kim Seung Ok trong truyện Seoul, mùa đông 1964 lại rất mới. Một khi người ta không còn nhận thức được ý nghĩa của cuộc đời thì hiển nhiên là người ta sẽ lãng phí cuộc sống của mình. Nhất là khi đã mất người thân yêu thì tiền bạc cũng trở thành vô nghĩa, chẳng giải quyết được…

Đọc tuyển tập Truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc, người ta có cảm giác “cuộc sống, thế gian, lúc nào cũng chao đảo”, nhưng không phải để sợ hãi nó, mà là để có thêm nghị lực sống và biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc sống của mình

-----------------
(*) Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2007.

Hoa Hỷ

Tin cùng chuyên mục