LTS: Đắk Nông là một tỉnh mới thành lập. Nơi đây có nhiều địa danh lịch sử, trong đó có không ít địa danh gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại. Thế nhưng, khá nhiều những di tích ấy chưa được biết đến. Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc Di tích lịch sử Đồn 722 - Đắk Sắk nhân kỷ niệm 45 năm ngày diễn ra trận đánh oai hùng của bộ đội ta tại đây.
Đồi 722 ở độ cao 722m so với mặt biển, diện tích khoảng 1km², trên địa bàn thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồi 722 là căn cứ biệt kích của Mỹ - ngụy và là nơi diễn ra trận chiến ác liệt của bộ đội chủ lực cùng lực lượng quân sự địa phương tiến công tiêu diệt căn cứ biệt kích vào ngày 22 và 23-8-1968.
Cuối năm 1963, sau những thất bại trong càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược, chính quyền ngụy Sài Gòn đã tăng cường đôn quân, củng cố các ấp bị phá và biến các cứ điểm Sa Pa, Phi Có, Đắk Sắk, Bu Prăng… thành các căn cứ biệt kích, nằm trong hệ thống biệt kích dọc biên giới miền Trung, để từ đây tung biệt kích, thám báo đánh phá đường giao liên nhằm cắt đứt hành lang chiến lược Bắc - Nam của ta, biến vùng núi của ta thành vùng trắng.
Riêng tại Đắk Sắk, chúng đã xây dựng điểm cao 722 thành căn cứ biệt kích hết sức kiên cố, trang bị nhiều vũ khí hiện đại, xây dựng sân bay dã chiến Thổ Hoàng, nhằm khống chế hoạt động của ta tại khu căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh IV (trên địa bàn 2 xã Nâm Nung, huyện Krông Nô và xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông ngày nay) và ngăn chặn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam của ta (dọc tuyến quốc lộ 14C bây giờ).
Tháng 1-1968, quân và dân Quảng Đức đã cùng cả nước thực hiện cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn toàn tỉnh. Tháng 8-1968, Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định mở đợt tấn công mùa thu 1968 và chọn chi khu quận lỵ Đức Lập là trọng điểm tiến công của một sư đoàn quân chủ lực Tây Nguyên phối hợp với quân dân Đức Lập. Ngày 22-8-1968, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công quận lỵ Đức Lập và các vị trí đóng quân của địch trên toàn tuyến như Đắk Sắk, Sa Pa, Đắk Lao, Đắk Pet và chặn đường chi viện của địch từ Buôn Ma Thuột xuống tại Đắk Găn.
Trong 10 ngày của đợt tấn công Đức Lập, ta đã tiêu diệt 1.790 tên địch, trong đó có tướng ngụy Trương Quang Ân và một đại tá cố vấn Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 18 đại đội lính ngụy, biệt kích, thám báo, bảo an; phá 32 xe quân sự, 10 đại bác, 6 kho vũ khí, bắn rơi 42 máy bay các loại. Đại bộ phận quân chiếm đóng và hệ thống ngụy quyền cấp huyện, xã bị tan rã; đồng bào 15 bon làng quanh Đức Lập nổi dậy, trở về nơi cũ.
Riêng tại Đồi 722 - Đắk Sắk, trong 2 ngày 22 và 23-8-1968, quân ta tập trung hỏa lực tấn công, đập tan lực lượng biệt kích, thám báo Mỹ - ngụy đồn trú ở đây. Sau khi làm chủ hoàn toàn căn cứ, Trung đoàn 95 của ta có nhiệm vụ chốt giữ vị trí trọng yếu này. Tuy nhiên, 3 ngày sau, địch đã huy động tổng lực lượng, dùng máy bay B52 và các loại vũ khí hạng nặng để phản công chiếm lại cứ điểm 722 - Đắk Sắk.
Khi phản công, địch đã bao vây Đồi 722 và gài mìn dày đặc xung quanh, dùng hỏa lực mạnh và ném bom rải thảm nên lực lượng địa phương không thể tiếp cận được với quân chủ lực, trong tình thế bị địch bao vây chặt, không được tiếp tế vũ khí, đạn dược cũng như lương thực, bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Trong trận này, 153 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh tại Đồi 722.
Sau ngày giải phóng, để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta tại Đồi 722 - Đắk Sắk nói riêng, trong chiến dịch Đức Lập mùa thu 1968 nói chung, tỉnh Đắk Nông đã lập Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tháng 10-2012, Đồi 722 - Đắk Sắk được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
KHẮC CƯỜNG