Đợi bão

Thư Hà Nội

Siêu bão số 7 trên biển Đông có tên quốc tế là Utor. Người ta giải thích Utor có nghĩa là Con voi. Tên do Mỹ đặt. Bão biển Đông thường mang một cái tên trong danh sách 140 tên bão của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương kể từ năm 2000. Danh sách này được các nước trong khu vực đóng góp bằng tên địa danh của mình. Cũng có thể là tên động vật, cây cỏ hoặc các món ăn (trừ thịt chó). Theo thứ tự chữ cái đầu tên nước thì Việt Nam đứng ở cuối cùng. Và cũng đóng góp những cái tên khiêm tốn như Hạ Long, Sao Mai, Côn Sơn, Sơn Ca, Vàm Cỏ, Trà Mi, Sơn Tinh…

Hệ thống dự báo bão giờ đây đã được phủ kín toàn cầu. Nghĩa là sẽ không bao giờ có một cơn bão bất ngờ nữa. Ít nhất nó phải được dự báo trước một tuần lễ. Đủ thời gian cho người ta chuẩn bị đến tận chân tơ kẽ tóc. Nhà nước gửi công điện xuống những vùng dự báo bão sẽ đi qua. Gọi tàu thuyền trên biển về bến và ngư dân ven bờ tránh sâu vào đất liền. Gia cố đê kè. Túc trực canh giữ. Lãnh đạo chuẩn bị sẵn ô che và áo phao đỏ đi kiểm tra phòng chống bão lụt.

Ở thành phố lớn như Hà Nội đáng ra không cần phải quá lo lắng về bão. Nhà cửa, đường sá, cầu cống đều là những công trình bê tông vĩnh cửu. Chỉ phải lo chuyện mưa lớn nước ngập. Nhưng lo cũng không để làm gì. Lúc nào và ở đâu ngập lụt thì chỉ có… mưa biết! Người Hà Nội phấp phỏng lo mùa bão không phải vì gió mà là lo những cơn “bão giá” luôn đến sớm. Tiểu thương lợi dụng triệt để những bản tin dự báo bão để tăng giá thực phẩm, rau củ quả. Các bà nội trợ bị tâm lý lan truyền thi nhau ra chợ mua về nhà tích trữ những thứ rất hiếm khi có mặt trong mâm cơm gia đình. Vừng lạc, bí đao, bí ngô, cá khô, cà bát nén chua. Cà chua và rau muống để chặt ngăn đựng rau của tủ lạnh 500 lít. Tất cả đều được mua với giá đắt hơn ngày thường.

Chỉ còn có việc chờ cơn bão về. Gọi điện khoe nhau những thứ đã mua tích trữ đủ dùng. Thực ra là quá xông xênh. Một quả bí ngô chục cân, gia đình bốn người phải ăn lặc lè trong nửa tháng. Là thời gian có thể xảy ra vài cơn bão. Một ký lô lạc nhân đựng trong lọ thủy tinh trong suốt thực ra là liều thuốc an thần nhiều gấp năm lần khả năng tiêu thụ của gia đình.

Siêu thị chật ních người ở những gian hàng thực phẩm. Đồ hộp, đồ đông lạnh kìn kìn khuân ra quầy tính tiền. Nhiều người sốt ruột không chờ được phải bỏ lại cả giỏ hàng đã chọn. Cũng có thể không phải sốt ruột mà họ đã nhận ra dù sao thì ở siêu thị cũng không có chuyện tăng giá “chống bão”. Và dù có bão đến cấp nào đi nữa, siêu thị vẫn mở cửa đón khách hàng.

Bão Utor rập rình ngoài biển Đông đúng một tuần lễ bất ngờ chuyển hướng đổ bộ vào Trung Quốc. Để lại cho Hà Nội một cái nóng kinh người suốt ba bốn ngày liền sậm sật mây đen. Đến hạt mưa cũng không xuống nổi. Trái bí đao vàng cuống ăn vội không kịp. Rau muống thối ruỗng phủ lên cà chua nát bét. Lọ thủy tinh đựng lạc cất vào gầm tủ bếp cho đỡ bải hoải con mắt nhìn. Cá khô tiếp tục khô và cà bát nén chua tiếp tục chua. Người lớn vẫn đi làm, đi nhậu. Trẻ con vẫn đi học hè, ăn cơm tập thể bữa trưa. Hàng hoa cao cấp vẫn nhận đơn hàng chuyển đến tận nhà bạn khác giới những bó hoa nhập ngoại.

Một đất nước Sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa (Đất nước - Thơ của Tạ Hữu Yên) vẫn phải sống bình thường như thế. Nhìn trong khu vực thôi cũng thấy đất nước Philippines một năm có đến hơn 60 cơn bão. Chia trung bình cho cả năm, mỗi tuần có hơn một cơn. Nước mình còn may mắn chán. Nhiều nhất cả năm chỉ hơn chục cơn bão là cùng. Có gì đâu mà phải “xoắn”. Bọn trẻ ngoài đường bảo thế…

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục