Trăn trở trước mong muốn xây dựng đội cồng chiêng nữ để giữ hồn dân tộc, già Đinh Nhớch (làng K’lên, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã trèo đèo, lội suối để vận động, thuyết phục các cháu gái theo học lớp cồng chiêng mà già đứng ra giảng dạy. Sau bao năm miệt mài đào tạo, giờ đây đội chiêng nữ làng K’lên hơn 30 người đã biết đánh chiêng thành thạo, góp phần giữ hồn văn hóa Tây Nguyên.
Đội chiêng nữ làng K’lên biểu diễn cồng chiêng
Lần theo tiếng chiêng, chúng tôi tìm đến khu nhà rông của làng K’lên. Tại đây, hàng chục thiếu nữ người Ba Na đang say sưa đánh bài chiêng Mừng lúa mới. Người dân từ già trẻ, lớn bé đưa mắt dõi theo. Điệu chiêng kết thúc, già Đinh Nhớch đứng bên ngoài vỗ tay, gương mặt thể hiện sự hài lòng. “Mấy đứa nghỉ đánh một thời gian để làm nương rẫy nhưng khi tập lại, không ai quên bài chiêng nào là tốt. Cứ như thế phát huy. Sắp tới nếu đi thi thì có thể sẽ tiếp tục đoạt giải”, già Đinh Nhớch nói. Theo già làng, khoảng 7 năm trước, trong làng rất nhiều người biết đánh chiêng, nhưng hầu hết là đàn ông. Nghĩ rằng việc đánh chiêng không chỉ dành cho nam giới và nếu nữ giới đánh được chiêng, sức lan tỏa trong cộng đồng về việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng sẽ lớn hơn, nên già Đinh Nhớch quyết định đứng ra tuyển chọn, đào tạo cho làng một đội chiêng nữ.
Hàng ngày, già Đinh Nhớch đến từng nhà vận động, tập hợp đủ 30 cháu gái, tuổi từ 7 đến 15 tuổi để dạy. Già Đinh Nhớt dạy từ cách cầm chiêng, lời và ý nghĩa các bài chiêng, cách đánh chiêng. Ngoài các buổi dạy cố định, già còn phụ đạo thêm cho những cháu chưa nhuyễn bài. Phải mất 1 năm, đội chiêng nữ do già Đinh Nhớch thành lập mới đánh thành thạo. Em Đinh Đơn, 17 tuổi, thành viên đội cồng chiêng nữ cho biết, hồi già đến nhà vận động, em cũng muốn đi nhưng lại không có thời gian vì bận nương rẫy. Được già giải thích ý nghĩa của việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, em mạnh dạn tham gia. Hàng ngày, sau những buổi lên nương, tối em lại chong đèn đến nhà già học đánh chiêng. Sau một năm, em đã đánh thành thạo hàng chục bài chiêng.
Theo già Nhớch, việc truyền dạy và duy trì đội cồng chiêng nữ rất khó. Các cháu hàng ngày phải lao động nương rẫy, không có thời gian và sức lực để học, “Tôi chỉ biết động viên các cháu. Cháu nào nghỉ học, tôi lại lặn lội đến tận nhà hỏi han, rồi tìm cách tháo gỡ để các cháu đi học lại bằng được. Nhiều bữa bệnh cũng không dám nghỉ”, già Đinh Nhớch tâm sự.
HỮU PHÚC