“Bút ký luật sư”

Đôi điều cảm nhận

Đôi điều cảm nhận

Do tính chất công việc, tôi thường tìm đọc các loại sách về pháp luật. Mới đây tôi được đọc cuốn “Bút ký luật sư - tập 1” của Tiến sĩ - Luật sư Phan Trung Hoài (NXB Tư Pháp). Cuốn sách đã cuốn hút tôi đọc liền một mạch suốt đêm. Và trong tôi dậy lên cảm giác khó tả vì sự “khác lạ” của nó. Tôi nói “khác lạ” là vì khi đọc một số sách pháp luật trước đây, tôi chưa bao giờ có cảm giác như thế.

Ngay trong phần lời tựa, tác giả đã đặt mỗi thân phận con người cá thể trong mối quan hệ với cái bản thể lớn lao để lấy đó làm cội nguồn của cảm xúc thực: “Mỗi một vụ án như một lát cắt làm nhói đau cơ thể xã hội. Mỗi thân phận bị cáo bị hàm oan như những ngọn nến không bao giờ tắt trong những cánh hoa giấy trôi trên sông Hương vào đêm rằm tháng Bảy. Nó lung linh, tồn tại không chỉ ở mặt đất này mà hòa vào hàng ngàn vạn ánh sao vũ trụ”.

Đôi điều cảm nhận ảnh 1

Hình như khi viết cuốn sách, tác giả đã lấy đó làm mạch đập cho những suy tư, trăn trở, những day dứt mang tính tâm linh trong mối quan hệ giữa người luật sư với những số phận của thân chủ bị hàm oan? Mạch đập này thi thoảng được thể hiện rất rõ trong những trang viết đầy cảm xúc xuất phát từ sự cảm nhận và trách nhiệm nghề nghiệp của tác giả.

Xin hãy lắng lại và suy nghĩ đoạn viết về tâm trạng của tác giả ngay sau phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn An Trung (Việt kiều Nhật) khép lại, ông Trung được minh oan: “Tôi một mình đứng lại ở khuôn viên Tòa án. Sau những phiên tòa lớn, luôn có cảm giác buồn và có chút gì hụt hẫng… Cánh cửa các phòng xử án đã khép lại. Cả khu nhà cổ kính tôn nghiêm và thâm trầm cả trăm năm qua đã yên lặng…

Nơi đây, hàng năm có hàng ngàn phiên xử và cả nhiều ngàn thân phận đi qua cuộc định đoạt của công lý. Họ đã trôi theo những ngả đường nào? Còn nhân vật chính của câu chuyện này, sẽ sử dụng khoản thời gian còn lại của cuộc đời mình ra sao? Rồi mọi người cũng sẽ quên đi, như người ta đã từng quên bao vụ việc nổi cộm, chỉ có thời gian đọng lại, một khoảnh khắc thôi, đã xoay vần cả một số phận. Cuộc đời con người nào ai biết được mình đã đi đến đoạn nào? Năm tháng như chiếc đồng hồ cát thời gian, cứ chảy dần, chảy dần đến hạt cát cuối cùng”.

Và đây nữa là suy tư của tác giả khi đến thăm LS Nguyễn Thành Vĩnh, - luật sư lão thành đã cùng tham gia bào chữa cho Nguyễn An Trung - vào thời điểm cụ Vĩnh đã 89 tuổi để ôn lại những kỷ niệm vui buồn khi tham gia vụ án này: “Tôi ôm ông và nắm lấy bàn tay gầy gò xanh mỏng của ông, lòng rưng rưng nhớ về những tháng ngày hành nghề vất vả với những lo toan. Ông không còn nhìn thấy tôi rõ nữa. Vũ trụ vẫn đang vận hành vào cõi vô tận…

Vụ án Nguyễn An Trung nghe như tiếng thở dài của đêm. Tiếng thở dài ấy quá nhỏ đến mức không làm xao động được hành trình của những vì sao trên trời”… Cuốn sách còn có nhiều đoạn xúc động khi viết về những suy tư của thân chủ, trong đó có người đã bị án tử hình rồi được tha tội chết như ông Liên Khui Thìn trong mục “Cuộc đối thoại bên cánh rừng Giá Ray” v.v...

Nguồn mạch cảm xúc ấy không chỉ dừng lại với những thân phận của từng con người cụ thể mà còn lan tỏa đến những trang viết về bối cảnh của các vụ án lớn gắn liền với những giai đoạn chuyển đổi quan trọng của kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế và pháp lý.

Chẳng hạn viết về vụ án Tamexco và vụ án Minh Phụng - Epco, tác giả đặt tên cho chương này là “Vòng xoáy địa ốc của những cơn bão tín dụng” để nói đến những hoàn cảnh lịch sử cụ thể xảy ra hai vụ án này. Con đường dẫn ông Tăng Minh Phụng, ông Liên Khui Thìn và một số người trong ngành ngân hàng ra tòa, bắt đầu từ những cách hiểu một chiều của họ về kinh doanh trong lĩnh vực đất đai. Để rồi sau đó khi trầm tĩnh nhìn lại, người ta mới cảm nhận được dư vị mặn chát của đất.

Lý giải về vấn đề này, tác giả thể hiện rất sâu sắc trong trang viết về khía cạnh pháp lý của việc giao đất, cho thuê đất gắn liền với Nghị định 18/CP của Chính phủ, về chủ trương “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” v.v…, để từ đó rút ra những bài học bổ ích về quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và cả ở cấp độ địa phương.

Vụ án “Sân golf Phan Thiết” kéo dài gần sáu năm được tác giả viết trong chương có tiêu đề “Mở cửa nhìn ra thế giới” đã cho thấy những lúng túng của cơ quan pháp luật trong thủ tục tố tụng xử lý những vấn đề của nền kinh tế thị trường buổi ban đầu thời mở cửa; những gian khổ, vất vả của nghề luật sư khi phải đối mặt với những vụ án tranh chấp có yếu tố nước ngoài…

Thành công của cuốn sách có được là nhờ ở bút pháp thể hiện của tác giả. Thể loại bút ký đã giúp tác giả không dừng lại ở những bút lục khô khan trong hồ sơ vụ án mà chỉ khai thác những yếu tố cần thiết rồi chiếu rọi vào đó lòng trắc ẩn, thông cảm của người viết chất chứa nhiều day dứt của người hành nghề luật, làm nổi bật những sự kiện pháp lý có giá trị nhân văn.

Rất nhiều trang sách được viết với ngôn ngữ giản dị và văn phong chừng mực, có sức gợi tả, lôi cuốn, hấp dẫn, đặc biệt là những trang viết về gia cảnh của thân chủ bị hàm oan như Bùi Văn Mãnh, Trịnh Ngọc Tương, Vũ Hùng Lượng… Người đọc, nhất là các luật gia, luật sư có thể chia sẻ ở một chừng mực nhất định những kinh nghiệm và các kỹ năng nghề nghiệp trong việc xử lý hồ sơ như hệ thống, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, xây dựng phương án bào chữa, kỹ năng thẩm vấn và sự hùng biện của nghề luật sư trước phiên tòa, vấn đề văn hóa trong tranh tụng ở pháp đình… bên cạnh những bài học phong phú khác về lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp nói chung của người thực thi “nghề luật”.

Tác giả đã nêu được những trăn trở, khó khăn trong hành nghề và khẳng định được thứ “vũ khí” sắc bén của nghề luật sư chính là những luận lý được hình thành từ kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng xử của luật sư.

Điều đọng lại cuối cùng trong tôi là cảm nhận về mục đích của tác giả khi viết cuốn sách này. Với tư cách luật sư, tác giả tâm sự: “Tôi chưa bao giờ đặt mình vào thế đối lập với cơ quan và người tiến hành tố tụng, nhưng vị thế nghề nghiệp cho tôi được quyền phản biện. Sử dụng cái quyền ấy như thế nào là cách thức của mỗi luật sư khi hành nghề. Quyền phản biện ấy có giới hạn, bởi sự bày tỏ quan điểm pháp lý hay tranh tụng, về bản chất đều hướng tới tiếp cận sự thật và sự công bằng… Xét cho cùng tôi không còn quan niệm e ngại vì quan điểm của tôi chưa hẳn đã thấu đáo, nhưng nhất quyết tôi không song hành với những thủ đoạn làm triệt tiêu sự thật và làm tổn hại đến những hy vọng vốn dĩ quá mỏng manh của một đời người…”.

Có lẽ với tác giả, đây không chỉ là mục đích của cuốn sách mà còn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hành nghề? Bởi người luật sư chân chính hành nghề không phải với mục đích tự thân, lấy cái tôi, bản ngã ra làm hệ quy chiếu định hướng cho các hành vi ứng xử, để rồi bất chấp những lợi ích của thân chủ và các lợi ích chung.

Tôi tin điều này khi được biết tác giả đã có những phút tự vấn: “Có một lúc nào đó, khi bình minh thức dậy, lòng tôi tự hỏi một ngày mới sẽ bắt đầu như thế nào? Tôi đối diện với khuôn mặt mình trong gương, sau một đêm trằn trọc, tôi hỏi về cái “tôi” trong gương ấy? Cái vật thể được gọi là “tôi” vật chất có làm thay đổi được cái “tôi” được cấu thành từ những hạt nguyên tử, những thành phần không thể nhìn thấy của vũ trụ?”.

Cuốn sách mới chỉ là tập đầu. Và tôi hy vọng, người đọc sẽ được đón nhận các tập bút ký tiếp theo của tác giả như ông bày tỏ trong đọan kết: “Hành trình “Bút ký luật sư” chỉ mới đi được một chặng đường ngắn ngủi, còn bao nhiêu vất vả và bất ngờ chờ đợi tôi ở phía trước”. 

Luật gia Vũ Minh Luân

Tin cùng chuyên mục