Đổi đời bệnh viện vệ tinh

Chỉ sau 6 tháng có sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy TPHCM cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Y tế TP, từ một cơ sở bình thường, ít bệnh nhân, Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi đã được đầu tư, thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến và thu hút được đông đảo người bệnh. Đó là hiệu quả từ mô hình vệ tinh của BV tuyến trên. Mô hình này đang nhân rộng cho các cơ sở y tế tuyến dưới…
Đổi đời bệnh viện vệ tinh

Chỉ sau 6 tháng có sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy TPHCM cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Y tế TP, từ một cơ sở bình thường, ít bệnh nhân, Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi đã được đầu tư, thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến và thu hút được đông đảo người bệnh. Đó là hiệu quả từ mô hình vệ tinh của BV tuyến trên. Mô hình này đang nhân rộng cho các cơ sở y tế tuyến dưới…

Đổi đời bệnh viện vệ tinh ảnh 1

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Củ Chi


Tiếp sức phẫu thuật

Trung tuần tháng 10 vừa qua, BV huyện Củ Chi đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng đau bụng dữ dội, xuất huyết âm đạo, nghi ngờ bị vỡ thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, với năng lực chuyên môn còn hạn chế, lãnh đạo BV đã “kích hoạt” báo động đỏ để nhờ sự phối hợp của các BV tuyến trên. Với sự hợp sức từ BV Đa khoa khu vực Củ Chi,  BV Từ Dũ, đội ngũ chuyên môn tại BV huyện Củ Chi đã phẫu thuật can thiệp khẩn cấp và cứu sinh mạng thai phụ chỉ sau 30 phút. Sau mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nhanh chóng bình phục. BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV huyện Củ Chi, cho hay nếu không có sự tiếp sức của các BV tuyến trên thì khó cứu tính mạng bệnh nhân bị vỡ thai ngoài tử cung này…
Là vệ tinh của các BV tuyến trên, trước đó BV huyện Củ Chi cũng đã lần đầu tiên thực hiện được ca mổ bắt con cho thai phụ. Sản phụ là chị Nguyễn Thị Kim Trâm (28 tuổi, ngụ tại Củ Chi) được xác định khung xương chậu bị hẹp nên không thể sinh thường. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh nhân có tâm nguyện được sinh tại BV huyện Củ Chi để tiện việc chăm sóc và tiết kiệm chi phí. Ban giám đốc BV huyện Củ Chi đã chủ động nhờ sự hỗ trợ chuyên môn từ BV Từ Dũ và BV quận Thủ Đức nên thực hiện ca mổ thành công. Mới đây, BV huyện Củ Chi cũng thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị tai nạn làm lộ tinh hoàn ra ngoài mà nếu như trước đây gặp phải không làm được…

Sau chuyến thăm và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM (tháng 4-2016), ngành y tế thành phố đã chú trọng đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật cho BV huyện Củ Chi để phục vụ nhu cầu khám và điều trị cho người dân tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Từ một cơ sở y tế vùng ven, thiếu thốn cả về nhân vật lực và trang thiết bị, người bệnh thưa thớt… đến nay, số lượt bệnh nhân khám và điều trị tại BV huyện Củ Chi tăng 200%. “Nếu như trong tháng 4-2016, lúc chưa mở khoa vệ tinh, chỉ có hơn 5.600 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh mỗi tháng thì các tháng kế tiếp lượng bệnh nhân tăng dần lên 7.000 - 8.000 lượt. Riêng tháng 10 có hơn 7.700 bệnh nhân điều trị nội trú, gần gấp đôi tháng 4”, BS Hồ Hải Trường Giang cho biết. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm của Sở Y tế TPHCM và 10 BV tuyến trên hỗ trợ tích cực về nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật với nhiều chuyên khoa như ngoại khoa, nhi khoa, da liễu, tai mũi họng, mắt, sản khoa, răng hàm mặt...

Thiếu nguồn nhân lực

Sau gần 3 năm triển khai đề án BV vệ tinh, ngành y tế TPHCM bước đầu gặt hái một số thành công trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút người bệnh ở các cơ sở y tế tuyến dưới. Một số BV tuyến quận, huyện vốn dĩ yếu kém chuyên môn, kỹ thuật; nay đã phát triển vượt bậc và “lên hạng” như các BV: quận 2, Bình Tân, Tân Phú, quận 11… Từ chỗ phòng khám vệ tinh, Sở Y tế TPHCM đã nâng lên BV vệ tinh. BV quận, huyện nào đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, chuẩn bị về con người để tiếp nhận chuyên môn thì Sở Y tế TP đề nghị các BV tuyến trên cử bác sĩ tay nghề cao về “cắm chốt” hỗ trợ một thời gian, cho tới khi đội ngũ y bác sĩ tại chỗ nắm vững chuyên môn. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến BV tuyến quận, huyện khám và điều trị tăng rõ rệt.

Với mô hình đưa y tế về gần dân hơn, Sở Y tế TP tiếp tục triển khai đưa bác sĩ từ các BV quận, huyện có uy tín về luân phiên tăng cường cho các trạm y tế xã, phường. Điển hình là BV quận Thủ Đức đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo xuống tận Trạm Y tế phường Bình Chiểu. BV quận 2 mở các phòng khám vệ tinh tại các trạm y tế phường Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh, Thảo Điền; tổ chức nhiều phòng khám thuộc các chuyên khoa như bác sĩ gia đình, nội tổng hợp, nội tim mạch, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, vật lý trị liệu… Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, mô hình BV vệ tinh, phòng khám vệ tinh đã và đang phát huy hiệu quả. Ngành y tế TP tới đây sẽ nhân rộng hơn, hỗ trợ tích cực cho y tế các địa phương vùng ven TP.

Tuy nhiên, khó khăn của các BV tuyến cơ sở vẫn là nguồn nhân lực. BV huyện Củ Chi được xếp vào “vùng trũng” về nguồn nhân lực y tế khi chỉ có 1,6 bác sĩ/vạn dân (trung bình cả nước là 7,6 bác sĩ/vạn dân). Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của TPHCM đến năm 2020 phải đạt 20 bác sĩ/vạn dân. Từ 2010-2015, BV huyện Củ Chi đã tuyển được 6 bác sĩ nhưng lại có tới 8 bác sĩ nghỉ hưu hoặc bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm xin nghỉ việc để ra công tác tại BV tư. “Nguồn nhân lực ngành y chủ yếu dồn về trung tâm thành phố nơi có các BV hạng I, hạng II. Cán bộ được cử đi học bác sĩ không muốn về địa phương, sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo; bác sĩ chính quy mới ra trường không muốn đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa bởi lương thấp hơn nhiều so với một số ngành nghề khác”, lãnh đạo một BV huyện băn khoăn.

 GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trước mắt Sở Y tế đang thực hiện các giải pháp tăng cường nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho  BV qua hệ thống khoa bệnh vệ tinh, phòng khám vệ tinh. Về lâu dài, Sở Y tế đang xúc tiến để ra những quyết định liên quan đến việc bác sĩ mới ra trường sẽ phải có thời gian cống hiến tại BV vùng sâu vùng xa.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục