Ngày 17-1 vừa qua là ngày đáng ghi nhớ đối với người Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Những căn nhà lợp lá xiêu vẹo, dột nát được thay thế bằng 33 căn nhà chắc chắn, ấm cúng. Nơi di tích lịch sử của bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 đã hình thành một bản văn hóa kiểu mẫu (do TCT Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, SABECO tài trợ). Ngày 18-1, trên dãy Giăng Màn hùng vĩ, người Mày, người Khùa, người Rục ở bản Ka Ai xã Dân Hóa cũng làm lễ vào nhà mới - những căn nhà của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (do Vietinbank tài trợ).
Cả làng mừng nhà mới
Từ mờ sáng, người Làng Ho đã gọi nhau dậy sớm, dọn vén vườn tược, đường sá nội bản để chuẩn bị lễ khánh thành nhà mới, một buổi lễ mà dân bản chưa bao giờ thấy trịnh trọng hơn. Cụ Hồ Mia nói: “Trịnh trọng là vì chưa khi nào dân bản được có nhà mới toàn bản, cũng chưa bao giờ cả bản ấm cúng như hôm nay. Từ khi tổ tiên Vân Kiều về đây ở, nói là nhà nhưng thực tế là lều lá dột nát, lạnh cóng mùa đông, khô nóng mùa nắng, đây là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử lập bản Làng Ho”. Dưới các mái nhà, cờ Tổ quốc bay phất phới. Trong nhà, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ Bác Hồ. Đón đoàn đại biểu vào tham quan nhà, cụ Mia nói: “Đời mình theo cách mạng, nay được nhà mới, mơ ước cả đời, không có gì hơn, chỉ biết nói cảm ơn tận đáy lòng”.
Có lẽ vui nhất bản là đại gia đình cựu chiến binh Hồ Uôi (73 tuổi). Ông có 2 người vợ, 18 đứa con. Trong số những người con trưởng thành có 6 người con được phân nhà, ông với vợ cả được phân một căn, vợ sau được phân một căn với những đứa con nhỏ.
Hồ Uôi nói: “Rứa là mình được ưu tiên nhất bản rồi, vợ con mình đều có nhà mới cả, được cán bộ thương, bộ đội thương mình phải gương mẫu làm tốt nhiệm vụ người già. Mình làm cái nhà không được, có bộ đội rồi cán bộ miền Nam ra lo, con cái mình cũng được lo, ơn nghĩa lắm”. Nói đến đó, Hồ Uôi kể tên những người thân trong gia đình có nhà mới trong sự xúc động: “Mình đông con, cái ăn lo bạc mặt mà không đủ chứ ước mơ chi nhà mới, nhưng chừ thì đúng sự thật rồi, sống cả đời ở núi rừng, nay tuổi già được ngả lưng trên nhà sàn kiên cố mình yên tâm vô cùng, tết này nhà mình chắc vui nhất bản vì đại gia đình có đến 8 cái nhà mới”.
Bà Hồ Mót đứng trước căn nhà vững chắc nói: “Từ nay mình khỏi sợ gió lùa mỗi đêm. Lại được bộ đội dựng hàng rào vườn tược, hướng dẫn làm vườn nữa, đời mình như thế là mãn nguyện lắm”. Bí thư chi bộ Làng Ho Hồ Bạch nói: “Chưa khi nào bản vui như hôm nay, có nhà mới khang trang, có được nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, có trạm xá dân quân y kết hợp để chữa bệnh tại chỗ, được bộ đội biên phòng, Báo SGGP, nhà tài trợ SABECO tặng tivi, có nước sạch để xài, hội chữ thập đỏ tặng chăn ấm mỗi nhà. Người Làng Ho suốt đời không quên”.
Hỗ trợ thiết thực
Rời Làng Ho, trực chỉ đường 12A theo tuyến Tây Trường Sơn, ngược ra Bắc Quảng Bình, chúng tôi lên rẻo cao Minh Hóa về bản Ka Ai xã Dân Hóa giữa trời mưa mùa đông lạnh giá để chung vui với 12 hộ dân người Mày, người Khùa, người Rục. Theo các anh ở Đồn biên phòng Cha Lo, bản có 66 hộ nhưng mới có 1 hộ thoát nghèo, vào diện cận nghèo. 12 hộ gia đình được cấp nhà Nghĩa tình Trường Sơn đợt này nằm trong gói tài trợ 20 căn nhà của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Đây là 12 hộ đặc biệt khó khăn cần có nhà khẩn cấp để chống rét mùa đông dưới núi Giăng Màn.
Trong giá lạnh tím môi, Hồ Ai nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, bộ đội biên phòng, Báo SGGP và nhà tài trợ đã ra giúp mình có nhà mới, đúng là căn nhà như phong tục người Mày và ấm cúng nữa”. Anh Hồ Voi nói: “Mình làm rẫy mãi chẳng đủ ăn, cả nhà chui ra chui vào dưới mái lá, mơ cái nhà chắc chắn nhưng không có tiền mua gỗ, may có Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng bộ đội giúp. Giờ vợ con mình yên tâm, mình cũng yên tâm để làm rẫy, lao động”.
Bí thư xã Dân Hóa Nguyễn Văn Luân nói: “Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP rất thiết thực khi đã kêu gọi tài trợ cho một nơi nghèo khó như ở đây. Đây là những hộ đặc biệt khó khăn, có nhà sẽ là động lực để họ phấn đấu vươn lên”. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình, đơn vị thực hiện các dự án nhà ở của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP nói: “Việc xây dựng Làng Ho và nhà tình nghĩa cho các hộ dân bản Ka Ai của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP thực sự là cú hích để đồng bào dân tộc có cơ hội thoát cảnh lam lũ. Đây cũng là điều kiện để xây dựng nông thôn mới đối với các bản làng biên cương vốn đang khó khăn. Và trước mắt, đây thực sự là món quà tết hết sức ý nghĩa”.
Phía biển Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) cồn cào sóng vỗ, chị Nguyễn Thị Dịp (60 tuổi) đang làm bữa cơm nhà mới, khách khứa xóm làng chung vui. Chị Dịp nói: “Cứ tưởng sống trong lều tranh ọp ẹp mãi nhưng không ngờ được Báo SGGP, nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ căn nhà cứng cáp để đương đầu với sóng gió vùng biển. Có được nhà thì chắc chắn cái ăn, cái mặc cũng đỡ vất vả hơn. Cả đời chưa có năm nào như năm nay, vui vì có nhà mới, chắc chắn tết này vui lắm”. Cũng như chị Dịp, những người cựu TNXP khác ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Trạch, Tuyên Hóa cũng có nhà mới đón tết.
| |
Minh Phong