Hiện nay, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang thực hiện công tác thu đổi mẫu hộ khẩu (HK) cũ sang mẫu hộ khẩu mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TPHCM xung quanh vấn đề này.
- PV: Vì sao phải thực hiện thu đổi HK đại trà như vậy?
Đại tá NGUYỄN VĂN DUNG: Thực hiện QĐ 698/2007 của Bộ Công an và Hướng dẫn 01/2009 của Công an TPHCM, từ năm 2009, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các quận, huyện đã thực hiện công tác thu đổi mẫu HK cũ từ sổ NK3a (màu xanh có 9 chữ số) và sổ HK08 (màu đỏ có 9 chữ số) sang sổ HK mới HK08 (màu đỏ có 11 chữ số) nhằm quản lý dân số thực tế chính xác hơn, đồng thời nắm bắt số lượng người đi, đến TP và điều chỉnh lại tên đường, số nhà do thay đổi địa giới hành chính của các quận, huyện sau khi tách, nhập vào HK mới cho dân. Sở dĩ HK mới có 11 chữ số là do từ nay HK có thêm số mã vùng của TPHCM (số 31) để phân biệt người của tỉnh, TP nào, giúp công an quản lý nhân, hộ khẩu tốt hơn.
- TPHCM là một địa bàn đông dân, vậy làm thế nào để lực lượng công an thu đổi HK nhanh chóng, hiệu quả?
Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM, từ nay đến hết tháng 9-2012, công an các quận, huyện phải hoàn tất công tác thu đổi HK, vì vậy đây là thời điểm nước rút để công an các quận, huyện tăng tốc và về đích. Để đảm bảo công tác thu đổi HK, ngay từ ngày đầu triển khai, công an các quận, huyện, phường, xã đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đi tập huấn để thực hiện công tác thu đổi HK một cách chuyên nghiệp. Lãnh đạo công an các quận, huyện đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ này. Người dân chỉ đóng 8.000 đồng lệ phí thu đổi HK và được công an cấp biên nhận để sử dụng trong thời gian đang thu đổi HK. Nhiều bà con tỏ ra hài lòng với cách phục vụ tận tụy của CA.
- Có ý kiến băn khoăn về việc thu đổi sổ HK bằng giấy và viết tay như hiện nay còn tốn kém, lạc hậu, tại sao không thực hiện quản lý nhân HK bằng phần mềm công nghệ thông tin?
Mặc dù chúng ta đã tính đến bài toán này từ lâu song do hoàn cảnh, điều kiện ở nước ta chưa cho phép nên trước mắt Công an TP đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Quản lý cơ sở dữ liệu dân cư” ở một số quận, huyện từ năm 2011. Sau khi thực hiện thí điểm thành công mô hình này, sẽ nhân rộng nhằm quản lý HK hiện đại, chính xác hơn.
- Việc thu đổi HK hiện nay đang tập trung vào những người có HK thường trú tại TP. Vậy còn những người dân nhập cư diện tạm trú và các đối tượng có tiền án, tiền sự và có lệnh truy nã thì công an quản lý như thế nào?
Với tinh thần chủ động tìm đến dân ở địa bàn để quản lý chứ không phải đợi dân tìm đến mình, lực lượng công an khu vực phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, canh gác, thực hiện khai báo tạm trú, tạm vắng để đảm bảo quản lý trật tự xã hội chặt chẽ, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các loại tội phạm. Đối với người dân nhập cư có đăng ký KT3, nếu đủ điều kiện theo đúng quy định của Luật Cư trú sẽ được nhập HK vào TP.
| |
Minh Yến (thực hiện)