Đội lân “nữ tướng” trên quê hương Đồng khởi

Nghe tiếng chiêng trống tùng tùng, cắc tùng tùng, xèng xèng… phát ra từ nhà má Trần Thị Phước, má Năm Kiển (Võ Thị Kiển) nhanh nhẹn rinh bó củi đầu dừa chất vào gian bếp để dành nấu bánh tét tết, rồi vào nhà thay bộ đồ bà ba đen, đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ, đai thắt ngang hông, thoăn thoắt đến ngay sân tập múa lân. Cùng lúc, từ các ngả đường nông thôn, các má Huỳnh Thị Siêng, Trần Thị Sánh, Huỳnh Thị Khiêm, Hồ Thị Tư, Lê Thị Viễn… tụ về cùng tập dượt cho thật “ăn rơ” để phục vụ kỷ niệm ngày Đồng khởi, mừng Đảng mừng xuân 2011 sắp tới…
Đội lân “nữ tướng” trên quê hương Đồng khởi

Nghe tiếng chiêng trống tùng tùng, cắc tùng tùng, xèng xèng… phát ra từ nhà má Trần Thị Phước, má Năm Kiển (Võ Thị Kiển) nhanh nhẹn rinh bó củi đầu dừa chất vào gian bếp để dành nấu bánh tét tết, rồi vào nhà thay bộ đồ bà ba đen, đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ, đai thắt ngang hông, thoăn thoắt đến ngay sân tập múa lân. Cùng lúc, từ các ngả đường nông thôn, các má Huỳnh Thị Siêng, Trần Thị Sánh, Huỳnh Thị Khiêm, Hồ Thị Tư, Lê Thị Viễn… tụ về cùng tập dượt cho thật “ăn rơ” để phục vụ kỷ niệm ngày Đồng khởi, mừng Đảng mừng xuân 2011 sắp tới…

Không khí hoạt động của đội lân nữ duy nhất Việt Nam trong những ngày giáp tết, tại “căn cứ địa” thuộc ấp 5 xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thật rôm rả. Tất cả có 16 thành viên, trong đó có một mẹ VNAH, 3 thương binh; nhiều người là vợ, mẹ liệt sĩ. Người lớn nhất nay đã gần 90 tuổi, trẻ nhất (đội ngũ kế thừa) cũng ngoài tuổi 50.

Đội lân nữ trong một buổi tập dượt để chuẩn bị phục vụ tết

Đội lân nữ trong một buổi tập dượt để chuẩn bị phục vụ tết

Độc nhất Việt Nam

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các má đều là thành viên “đội quân tóc dài” của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Từng tham gia đấu tranh chính trị, tải lương, tải đạn cho tiền tuyến, đồng thời còn là những cô văn công đem “tiếng hát át tiếng bom”… Má Năm Kiển (SN 1934, đội trưởng đội lân) nhớ lại: “Xứ Lương Hòa có đội lân nữ từ năm 1954. Sau hiệp định đình chiến, dân vùng giải phóng này tập hợp những người bám đất giữ làng. Vậy là đội lân ra đời để có thể tập hợp hàng trăm người cùng lúc nhưng vẫn hợp pháp. Lúc mới thành lập, đội lân do phái nam đảm trách, chị em chúng tôi tham gia đội văn công. Mỗi khi có cán bộ cách mạng về Lương Hòa hoạt động, đội lân, đội văn nghệ làm rôm rả lắm, hàng trăm người dân cổ vũ, hỗ trợ che mắt địch, giúp cán bộ vượt qua đồn bót giặc an toàn”.

Sau ngày thống nhất đất nước, đội văn nghệ từng bước làm quen và đảm trách luôn vai trò… múa lân. Má Năm Kiển bùi ngùi: “Lúc đầu thiếu thốn trăm bề. Để tập dượt, chị em lấy rổ xúc chế thành đầu lân, rèm cửa buồng làm đuôi, thùng thiếc làm trống… Ai cũng có hoàn cảnh riêng và nỗi đau, mất mát lớn do chiến tranh để lại. Cuộc sống chật vật ở vùng quê nghèo ngày đầu mới giải phóng nhưng với quyết tâm tạo nguồn vui cho người dân làng quê trong những dịp lễ, tết nên không thành viên nào bỏ cuộc… Vậy là, ngày mùng 6 Tết năm 1981, đội lân nữ xã Lương Hòa chính thức thành lập trong sự ngạc nhiên của nhiều người, phục vụ đồng bào liên tục đến ngày nay”.

Đội lân nữ đi đến đâu được sự quan tâm ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của chính quyền, đoàn thể và nhân dân đến đó. Các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao của các địa phương trong tỉnh Bến Tre như: lễ tiễn quân, ngày thành lập Quân đội Nhân dân, đón hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang, rước bằng văn hóa xã, quốc tế phụ nữ 8-3, ngày thành lập Đảng, ngày Đồng khởi Bến Tre 17-1, lễ 30-4, Quốc khánh 2-9… đều có sự góp sức của đội lân “có một không hai này”. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, “lịch múa” của đội luôn kín trước cả tháng, để chỉ duy nhất phục vụ các sự kiện mang tính cộng đồng, không vì mục đích dịch vụ. Nét truyền thống nhiều năm qua là từ chiều 30 Tết, đội lân nữ Lương Hòa lên đường về trung tâm huyện Giồng Trôm tham gia đón giao thừa, mừng năm mới cùng với chính quyền và người dân nơi đây…

Năm 2005, sau một thời gian tiến hành xác lập, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - Vietbooks chính thức công nhận: Đây là đội lân nữ duy nhất ở Việt Nam.

Quyết “giữ lửa”

Qua ngần ấy thời gian hoạt động, vượt qua bao gian khó, gắn bó cùng người dân, mỗi nơi đi qua đều đọng lại trong lòng các má một kỷ niệm khó quên. Nhiều lần phải cuốc bộ mấy chục cây số, chưa kịp giải lao, các má vẫn vui tươi “biểu diễn” trong niềm mong đợi của người dân vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Má Huỳnh Thị Khiêm (SN 1935) thủ vai ông Địa, xúc động: “Kỷ niệm đáng nhớ là sau khi thành lập không lâu, đội lân được chính cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) tặng bộ đồng phục trong một dịp cô về thăm quê hương Lương Hòa. Đó là một đầu lân mới, mỗi người còn được tặng một bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, nón tai bèo, đai thắt lưng 2 màu vàng - đỏ, quần có 2 sọc đỏ. Với hàm ý sâu sắc: “Hình ảnh đội quân tóc dài kiên cường bất khuất, da vàng máu đỏ, dù máu rơi vẫn một lòng, quyết tâm tất thắng”. Đến nay, đội lân vẫn giữ nguyên sắc màu đồng phục đó. Đặc biệt, ngày 19-5-2005, toàn đội lân vinh dự được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác…”.

Tết này, má Năm Kiển 77 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe, nhiều năm qua đảm nhiệm vai trò “chủ công”, đội đầu lân nặng hơn 6kg múa cả giờ không mệt. Má Năm Kiển xúc động: “Năm 1983, các má vinh dự và tự hào khi được biểu diễn chào mừng Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng nữ tướng Nguyễn Thị Định về thăm Lương Hòa, nhân dịp xã có thêm một tên mới: Làng Moncada. Đó là tâm nguyện của vị nữ tướng cũng là của nhân dân xã Lương Hòa…”.

Qua một thời gian dài, vì tuổi cao, bệnh tật, một số thành viên như: má Nguyễn Thị Nghêu, Nguyễn Thị Hoàn phải chia tay đội lân trong luyến tiếc. Má Nguyễn Thị Rí vĩnh biệt ra đi trong một tai nạn... Đội lân giờ còn lại 16 người, ít hơn 4 thành viên so với lúc mới thành lập. Trừ 2 thành viên nam là ông chủ nhiệm Nguyễn Văn Chất (Ba Chất) và Nguyễn Văn Trí (Út Trí) đảm đương việc đánh trống, khiêng đạo cụ…; số còn lại toàn phụ nữ. Hoạt động của đội lân nữ giờ đã trở thành “đặc sản” văn hóa văn nghệ truyền thống của quê hương Đồng khởi. Các thành viên quyết tâm gắn bó hết mình, không để tan rã. Đặc biệt, có trường hợp mẹ VNAH Nguyễn Thị Nuôi, tết này 87 tuổi, không còn đảm nhận các vai nặng nhọc nhưng vẫn tình nguyện theo suốt hành trình với nhiệm vụ… cầm cờ. Má Phạm Thị Siêng (SN 1940, thủ vai Tề Thiên hơn 25 năm qua) báo tin vui: “Chúng tôi đã chiêu mộ được 3 chị em vừa ngoài 50 tuổi tham gia đội lân. Lực lượng kế thừa này đang tập đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, nặng nhọc nhất”.

Hầu hết thành viên nay tuổi đã cao, nhưng lòng nhiệt tình của đội lân nữ không hề suy giảm. Chia tay chúng tôi, lau vội những giọt mồ hôi trên trán sau một buổi tập dài hơi, đội trưởng Võ Thị Kiển bộc bạch: “Các má giờ đã lớn tuổi hết rồi, con cháu sum vầy. Tết này nữa là mọi người có 30 năm chính thức “chia ngọt sẻ bùi” cùng đội lân. Chỉ mong mình còn sức khỏe để tiếp tục múa lân, giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương”.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục