Đổi mới cần hiệu quả thực chất

Tuần qua, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM bước vào kỳ thi kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ 1 năm học 2022-2023.

Trước đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các trường tiểu học không soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng. Riêng đối với cấp THCS và THPT, đề thi được yêu cầu tăng cường câu hỏi vận dụng kiến thức, hạn chế sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa nhằm loại bỏ dần tình trạng học vẹt, học tủ tồn tại nhiều năm qua.

Thực tế đề thi từ các trường cho thấy, dạng câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn thuần như “nêu ngày tháng năm diễn ra sự kiện”, “liệt kê các bộ phận cơ thể người” không còn xuất hiện, thay vào đó là các dạng câu hỏi đòi hỏi kỹ năng vận dụng kiến thức như cảm nhận của em về ý nghĩa lịch sử của sự kiện, so sánh điểm giống và khác giữa hai phương thức điều chế khí oxy… Đây là một trong những tín hiệu tích cực thể hiện sự chủ động của các trường khi thực hiện yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Tuy nhiên, ở môn Ngữ văn, đề thi kiểm tra cuối học kỳ 1 của khối 10, Trường THPT N.T.H. (quận Tân Bình) dù đáp ứng đúng yêu cầu “không chọn ngữ liệu đã có trong sách giáo khoa”, nội dung xoay quanh các giá trị sống - một trong những vấn đề “nóng” xã hội đang quan tâm đối với thế hệ trẻ, nhưng lại khiến nhiều học sinh lúng túng bởi ngữ liệu trích trong đề thi được cho là quá dài, vấn đề gợi ra có phần quá sức các em. Qua đó cho thấy yêu cầu đổi mới cách ra đề thi chỉ “mới, lạ” thôi chưa đủ mà đòi hỏi thay đổi về tư duy của giáo viên, lựa chọn ngữ liệu trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cần đạt về kỹ năng, kiến thức của học sinh được quy định trong chương trình.

Hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội, phụ huynh và học sinh chuyền tay nhau các đề kiểm tra học kỳ kèm theo so sánh mức độ chênh lệch về độ khó giữa các trường. Đây là điều khó tránh khỏi khi trách nhiệm ra đề được giao cho hiệu trưởng và tổ chuyên môn, song cũng cho thấy thực tế đổi mới chưa đồng đều ở các trường. Riêng với các lớp cuối cấp, nhiều giáo viên cho biết chưa thể bỏ hoàn toàn đề cương, hệ thống câu hỏi mẫu cho học sinh “gạo” bài trước kỳ thi kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ 1 bởi kết quả thi ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi các em khi xét tuyển lên các bậc học kế tiếp, nhất là trong bối cảnh định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng trong 3 năm tới chưa được định hướng rõ ràng. Ngành giáo dục đang cải tiến mạnh mẽ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh nhưng trăn trở lớn nhất đối với cả người dạy lẫn người học trong giai đoạn chuyển tiếp là có sự đồng bộ giữa đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh? Nếu dạy học đổi mới nhưng kiểm tra, đánh giá vẫn theo tư duy cũ sẽ khiến các trường “vừa làm vừa nhìn nhau”, đổi mới không thực chất, ảnh hưởng quyền lợi người học.

Ngoài ra, một trong những điểm mới đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh cấp THCS và THPT trong năm học này là bỏ cách tính điểm trung bình các môn học để xếp loại học lực, không phân biệt môn chính, môn phụ trong kết quả đánh giá học sinh, đồng thời tăng số lượng môn học đánh giá bằng nhận xét. Thay đổi nói trên nhằm giảm áp lực về điểm số, đánh giá toàn diện kỹ năng và kiến thức của học sinh, qua đó góp phần loại bỏ tư duy dạy học theo kiểu nhồi nhét kiến thức đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng dạy học hàng chục năm qua của các thầy cô giáo. Song, khi triển khai trong thực tế, đổi mới cần thực hiện theo lộ trình, không thể nóng vội, khó khăn ở đâu tìm cách tháo gỡ ở đó, như nhìn nhận gần đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Có thể thấy ở lần “ra trận” này, ngành giáo dục đặt quyết tâm và kỳ vọng cao vào sự đổi mới. Hàng loạt thông tư, nghị định, hướng dẫn đã được ban hành với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuẩn trình độ giáo viên. Song câu hỏi được đặt ra là những thay đổi đó có đủ mạnh để chống lại sức ì của tư duy dạy học theo lối cũ? Giáo viên được trao quyền thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh nhưng các điều kiện đi kèm như chế độ khen thưởng, quy định đánh giá, xếp loại giáo viên, quy định về sổ sách, học bạ vẫn như chiếc vòng kim cô ghì chặt nỗ lực của các thầy cô giáo. Quan trọng hơn hết, đổi mới không thể có mẫu số chung ở các trường học, khả năng tiếp nhận của học sinh từng trường cũng khác nhau. Do đó, song song với việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, cơ quan quản lý cần có thêm hướng dẫn để bảo vệ quyền lợi người học, tránh việc trao quyền nhưng bỏ ngỏ lời giải về đổi mới tuyển sinh, khiến giáo viên và học sinh loay hoay với giải pháp an toàn là điểm số. Khi đó, mọi nỗ lực giảm bệnh thành tích trong giáo dục khó mang lại hiệu quả thực chất.

Tin cùng chuyên mục