Đổi mới công nghệ ở “ngã ba đường”

Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc đổi mới công nghệ gia tăng mạnh ở nhiều nước. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được đẩy lùi, cùng với biến động địa chính trị đang diễn ra, tiến bộ này lại bị đẩy lùi.
Đổi mới công nghệ ở “ngã ba đường”

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hiệp quốc cho biết, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các đầu tư khác thúc đẩy đổi mới sáng tạo tiếp tục nở rộ trong năm ngoái. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang nhận định: “Điều này đối lập với những gì chúng ta dự kiến”.

Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã thúc đẩy chi tiêu cho đổi mới “trong tất cả các lĩnh vực”, cả những khu vực trước đây không được quan tâm đầu tư.

Báo cáo của WIPO cho biết, đầu tư cho R&D của các tập đoàn hàng đầu đã tăng gần 10% trong năm 2021, lên hơn 900 tỷ USD - cao hơn trước khi bùng phát dịch - trong đó hầu hết tập trung vào công nghệ thông tin và viễn thông, dược, sinh học. ... Trong khi đó, các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm tăng gần 50% trong năm ngoái, tương đương thời kỳ bùng nổ Internet những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận ở khu vực Mỹ Latinh, vùng Caribe và châu Phi.

Tuy nhiên, WIPO cảnh báo “Triển vọng đầu tư mạo hiểm năm 2022 có phần u ám hơn” khi biến động địa chính trị do xung đột tại Ukraine và các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng gây ra, đang kìm hãm chi tiêu cho R&D. WIPO cũng cảnh báo rằng sản lượng - vốn là kết quả của tăng mạnh đầu tư vào hoạt động đổi mới sẽ chững lại.

Ông Daren Tang nhận định: “Nền kinh tế đổi mới toàn cầu năm nay đang ở ngã ba đường”. Trong khi đầu tư cho đổi mới tăng vào năm 2020 và 2021, triển vọng cho năm 2022 bị “phủ bóng đen” không chỉ do bất ổn toàn cầu mà còn do hoạt động sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ không đạt hiệu quả.

Ông Daren Tang đưa ra bình luận trên sau khi WIPO công bố bảng xếp hạng thường niên các nước đổi mới nhất thế giới, trong đó Thụy Sĩ đứng đầu danh sách trong 12 năm liên tiếp. Nhưng chỉ số đổi mới toàn cầu 2022 cho thấy nền kinh tế đổi mới - từ lâu tập trung mạnh vào Bắc Mỹ và Tây Âu - nay dần mở rộng ra các khu vực khác. 10 vị trí đầu vẫn là các nước phương Tây, trừ Singapore ở vị trí thứ 7. Mỹ từ thứ 3 lên thứ 2, trước Thụy Điển và Anh. Trung Quốc tăng từ vị trí thứ 12 trong năm ngoái lên 11. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên lọt vào tốp 40.

WIPO cũng nhấn mạnh đến thực tế mới là một số nước đang phát triển như Indonesia, Pakistan, Kenya, Brazil và Jamaica đã đạt kết quả ngoạn mục trong chỉ số đổi mới so với trình độ phát triển kinh tế của các nước này.

Ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả của báo cáo, cho rằng, trong năm nay, đến thời điểm này, chúng ta đang đi từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng tiếp theo. Căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đổi mới vì các ý tưởng cần sự cởi mở, cộng tác để đưa chúng ra thế giới. Chỉ có thể đầu tư vào năng lượng xanh và các công nghệ liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp khi các quốc gia nỗ lực vì lương thực và năng lượng.

Tin cùng chuyên mục