Mở đầu chương trình, nhóm các bạn học sinh lớp 10A9, 10A1, 11A2, 11A3 đã mang đến sân trường không khí vui tươi của văn hóa làng quê Bắc Bộ qua hai làn điệu dân ca "Lý cây đa" và "Bèo dạt mây trôi".
Võ Minh Anh, học sinh lớp 10A9 mang đến sân trường làn điệu dân ca "Bèo dạt mây trôi" |
Tiếp đó, nhóm học sinh lớp 10A1 và 10A3 hóa thân thành các nhân vật trong truyện cổ tích "Tấm Cám".
Hóa thân thành nhân vật Tấm, Vũ Trịnh Thảo Vy, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Tân Phong cho biết, để chuẩn bị cho vai diễn "khá nặng ký", em đã chuẩn bị rất kỹ về tâm lý, đọc đi đọc lại lời thoại nhiều lần để cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của nhân vật.
"Ban đầu khi nhận vai diễn, em lo lắm vì chưa bao giờ diễn kịch trước nhiều người như vậy. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các thầy cô, em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhân vật. Đối với những đoạn tâm lý buồn, em học cách nuôi cảm xúc để có thể khóc, cười thật trên sân khấu", Thảo Vy cho biết.
Nhờ quá trình học hỏi và đầu tư cho vai diễn, Thảo Vy cho biết sự tự tin tăng dần lên theo từng ngày.
Tuy truyện cổ tích "Tấm Cám" là câu chuyện ai cũng biết nhưng nhóm học sinh đã nỗ lực khoác lên câu chuyện một tấm áo mới, mang đến cho các bạn học sinh góc nhìn mới về xã hội xưa. Trong đó, thân phận người phụ nữ chịu nhiều cực khổ và thiệt thòi.
"Em mong các thầy cô tạo thêm nhiều sân chơi cho học sinh phát triển kỹ năng và học hỏi kiến thức thông qua những hình thức mới như âm nhạc, hội họa, kịch nói.. chứ không chỉ đọc qua sách vở", Thảo Vy bày tỏ.
Vở diễn "Tấm Cám" mang đến nhiều tiếng cười và cả suy nghĩ lắng đọng về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa |
Còn Đặng Minh Quyền, học sinh lớp 10A1 chia sẻ, khi được phân vai ông bụt trong vở kịch Tấm Cám, em vừa vui mừng vừa hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên em biểu diễn trên sân khấu.
"Vai diễn của em có khoảng 8 câu thoại nhưng em đã tập diễn trước gương liên tục trong 3 tuần đến khi thật sự tự tin, nói không còn vấp. Em nghĩ việc tái hiện các câu chuyện kể dân gian trên sân khấu sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn nội dung và có cái nhìn sinh động về kho tàng văn học dân tộc", Minh Quyền bày tỏ.
Học sinh chăm chú dõi theo các tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian |
Theo thầy Đặng Chí Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Tân Phong, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh có cách tiếp cận mới kiến thức, qua đó giúp các em củng cố kiến thức, đồng thời có thêm trải nghiệm thực tiễn để tăng hiệu quả tiếp thu bài học.
Học sinh có cơ hội thể hiện tài năng và khả năng sáng tạo thông qua các hoạt động trải nghiệm |
Giáo viên này cho biết, hoạt động đã mang lại không khí học tập sôi nổi cho học sinh và giáo viên toàn trường, không chỉ riêng với bộ môn Ngữ văn. Qua đó, học sinh phát huy được khả năng sáng tạo và kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm.
Hoạt động lan tỏa hiệu ứng không chỉ về cảm xúc mà cả nhận thức, kiến thức của học sinh, góp phần thực hiện đổi mới dạy học theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.