Tiến trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) bước vào một sân chơi mới, ở đó không còn những ranh giới về thuế quan hay sự ưu đãi về chính sách. Với các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) cũng không ngoại lệ. Để cạnh tranh và phát triển, nhiều DN xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất và kinh doanh để phù hợp với xu thế và nhu cầu mua sắm của người dân.
Chủ động chuyển hướng
Trong 4 CTBOTT TPHCM đang triển khai thực hiện (gồm CTBO mặt hàng lương thực - thực phẩm; CTBO các mặt hàng sữa; CTBO các mặt hàng mùa khai trường và CTBO tân dược), hầu hết sản phẩm bình ổn đều nằm trong nhóm đối diện với thách thức; đặc biệt với nhóm thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa các loại.
Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đã xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư với quy mô rất lớn, tổng đàn lên tới hàng trăm ngàn con, thậm chí hàng triệu con. Đây là một trong những tín hiệu tốt của ngành chăn nuôi, nhưng với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không có sự chuyển hướng kịp thời sẽ bị lép vế, dẫn đến phá sản. Riêng với Vĩnh Thành Đạt, mặc dù đã chuẩn bị từ nhiều năm trước để chuyển đổi mô hình chăn nuôi, chủ động nguồn hàng nhưng trước sự đầu tư càng mạnh mẽ của khối ngoại, ông Thiện cho rằng, thời gian tới công ty vẫn còn nhiều việc phải làm mới có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Ở nhóm trứng gà, hiện Vĩnh Thành Đạt đã khép kín quy trình từ sản xuất đến phân phối. Trong đó, công ty đã tự chủ được 100% sản lượng trứng, không phải đi mua gom trên thị trường như trước. Nhưng ở nhóm trứng vịt, ông Trương Chí Thiện cho rằng sẽ tiếp tục điều chỉnh ở một số khâu, tạo sự chênh lệch thấp nhất về mặt bằng giữa quả trứng gà và trứng vịt thì mới có thể cạnh tranh bền vững.
Theo ông Thiện, hiện giá trứng gà dừng ở mức 2.450 đồng/quả, nhưng trứng vịt lên tới 3.250 đồng/quả là quá cao. Nguyên nhân do nhiều năm qua, trứng gà đã được nuôi theo quy trình công nghiệp với tổng đàn rất lớn, trong khi trứng vịt vẫn được nuôi theo dạng “chạy đồng”, quy mô nhỏ lẻ nên không tạo ra năng suất cao. Mặt khác, trong phân khúc trứng gia cầm, các DN FDI chỉ đầu tư vào quả trứng gà, còn trứng vịt vẫn có khoảng trống nhất định cho DN trong nước. Để khai thác tốt hơn tiềm năng từ trứng vịt, Vĩnh Thành Đạt đang tiếp tục hợp tác với nhiều địa phương để hình thành các tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi vịt tập trung với sản lượng lớn.
“Chỉ khi nào DN làm chủ được nguồn cung, về sản lượng cũng như kiểm soát tốt dịch bệnh, mới có thể tính đến chuyện kéo giảm giá thành của trứng vịt, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng”, ông Thiện nói. Tương tự, với Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), trong năm 2017 đã hoàn chỉnh quy trình cung ứng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết hiện nay 100% sản lượng thịt heo tươi sống và thịt cung ứng chế biến đạt tiêu chuẩn VietGAP và được truy xuất nguồn gốc. Vissan cũng tiến hành kiểm tra và phân tích tỷ lệ mỡ và thịt trên mỗi con heo tại chuồng để đảm bảo giá thu mua công bằng cho các trang trại. Vissan cũng thu hẹp việc thu mua từ hơn 200 trang trại xuống còn 45 trang trại để kiểm soát tốt nhất về chất lượng. Đồng thời, đầu tư thiết bị chuyên dụng để kiểm tra (test) nhanh về dư lượng kháng sinh, chất cấm và thuốc an thần. Vissan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để kiểm soát chặt nguồn heo đưa vào lò, đến khâu giết mổ và đưa thịt ra thị trường. Ngoài ra, Vissan cũng thực hiện quy trình làm mát thịt heo ở nhiệt độ dưới 100C, liên tục trong 10 giờ trước khi đưa đến điểm bán để tránh tình trạng thịt heo bị phân hủy…
“Trên thực tế, Vissan đang thực hiện tất cả các quy trình để hướng đến việc cung ứng thực phẩm sạch cho người dân. Trong bối cảnh người tiêu dùng đòi hỏi về an toản thực phẩm ngày càng cao, nếu Vissan không chuyển đổi kịp thời mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ rất khó đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu như kế hoạch”, ông Nguyễn Ngọc An phân tích.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Hiện nhiều DN khác cũng đã nhận thức rõ các cơ hội, thách thức để sẵn sàng ứng phó. Thể hiện rõ nhất là các DN đang tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu, thói quen tiêu dùng truyền thống của người dân ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, các DN đã sớm nghiên cứu, thử nghiệm điều chỉnh chiến lược sản xuất, chiến lược sản phẩm và phân khúc thị trường, đưa ra nhiều mặt hàng mới thuộc phân khúc khác với mặt hàng thế mạnh của các nước. Đến nay, sản phẩm của các DN BOTT đã được sản xuất và phân phối theo quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn, gắn logo sản phẩm vào chuỗi thực phẩm an toàn, được cấp giấy chứng nhận và quảng bá cho người tiêu dùng nhận biết để mua sử dụng.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết dù đang hội nhập nhưng công ty không lo ngại cạnh tranh bởi hầu hết sản phẩm của San Hà đưa ra thị trường đều có sự khác biệt. Theo bà Hà, từ nhiều năm qua, công ty đã tiến hành hợp tác, đầu tư với HTX chăn nuôi tại các tỉnh, thành để phát triển đàn gà ta, gà thả vườn cung ứng cho thị trường. Trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, các sản phẩm như gà thảo mộc, gà ta San Hà đã chiếm lĩnh được thị phần của số đông người tiêu dùng khó tính. Các sản phẩm này hiện chỉ có HTX, DN trong nước làm được, trong khi các tập đoàn nước ngoài chỉ tập trung chăn nuôi công nghiệp.
“Tôi cho rằng, khi thực hiện cam kết từ các hiệp định thương mại thì mặt hàng gà công nghiệp có thể vào Việt Nam với giá rất rẻ. Nhưng nhờ nhu cầu và tập quán tiêu dùng của đại đa số người Việt thích ăn gà ta, gà thảo mộc nên chúng tôi vẫn có “đất” để phát triển”, bà Hà khẳng định.
Để tạo điều kiện và hỗ trợ DN, từ các bộ, ngành và lãnh đạo TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án lớn như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn; chương trình kích cầu đầu tư… Cách làm này đã tạo điều kiện cho DN mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, sản xuất theo quy trình khép kín…
Tính đến nay, đã có hàng chục DN của TPHCM và các địa phương tham gia chuỗi, với số lượng mặt hàng đạt tiêu chuẩn lên đến gần 100 sản phẩm, cung ứng tổng sản lượng gần 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Các sản phẩm ăn liền cao cấp, sử dụng nguyên liệu chất lượng cao từ củ sâm và tổ yến của Công ty Saigon Food; trứng gà ta, trứng gà ác của thương hiệu Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt đã tạo nên sự khác biệt lớn so với sản phẩm của các DN FDI tại Việt Nam và hàng nhập khẩu.
Về phía các DN phân phối như Saigon Co.op, Satra, Vingroup cũng đang tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới với nhiều hình thức như trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, các DN này cũng tập trung vào mảng phát triển nhãn hàng riêng để hình thành quy trình khép kín từ sản xuất đến phân phối, chủ động kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với sự tích cực tham gia các chương trình, chủ trương lớn của Trung ương và TPHCM; sự năng động, sáng tạo của các DN trong nghiên cứu và đưa ra sản phẩm mới có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, được nhà nước kiểm soát, chứng nhận và công bố đến người tiêu dùng, sẽ là bước chuẩn bị căn cơ và vững chắc để DN BOTT có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội cũng như đối phó và vượt qua các thách thức đến từ FTA và CPTPP, hướng tới phát triển bền vững.