LTS: Đại hội XI của Đảng đã xác định nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa...; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến góp ý cho việc đổi mới GD-ĐT, Báo SGGP đăng ý kiến của bạn đọc TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM) về vấn đề này.
Đổi mới từ cơ chế, chính sách đến tuyển sinh
Đổi mới nền giáo dục Việt Nam không thể tiến hành theo kiểu “xóa làm lại” mà phải kế thừa những gì đang có mà cải tiến, thay đổi, sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết. Ở những góc nhìn khác nhau có thể chọn điểm bắt đầu khác nhau với những phương thức, nội dung khác nhau. Thực tế cho thấy nên bắt đầu từ ngành sư phạm. Trước hết, đây là một bộ phận của nền giáo dục, nếu tiến hành đổi mới từ đây sẽ dễ thực hiện hơn việc tiến hành nhiều bộ phận khác, mà tác động đến toàn bộ nền giáo dục sẽ rộng rãi hơn, thiết thực hơn. Ngành sư phạm đào tạo ra những cá nhân, những con người, làm nhân tố chủ lực trong guồng máy của nền giáo dục, do đó sẽ có sự lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác của giáo dục. Đổi mới từ ngành sư phạm sẽ tác động đến nhận thức tích cực của toàn xã hội, từ đó dễ tạo ra sự chung tay, góp sức để cùng tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Để đổi mới ngành sư phạm nên quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách cho ngành sư phạm. Trước hết nên xem việc đào tạo giáo viên là một nghĩa vụ bắt buộc của nhà nước, với quan điểm đó nên thực hiện việc bao cấp toàn bộ cho người học ngành sư phạm (như ngành công an, quân đội). Do đó, cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả. Ở các trường sư phạm hiện có, chỉ nên khoanh một số bộ phận dành cho ngành sư phạm, còn lại có thể đào tạo đa ngành tùy theo nhu cầu của địa phương. Đồng thời, có xây dựng các trường sư phạm cụm, tức là trường sư phạm dành cho khu vực hoặc cụm của một số tỉnh - thành gần nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cho ngành sư phạm, tức là cần phải đầu tư đến mức tốt nhất để các “máy cái” có thể sản sinh ra được nhiều giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt.
Cần nghiêm túc đổi mới khâu tuyển sinh. Nhiều năm qua, có tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Đó là một điều đau lòng và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng giáo dục. Tình trạng này cần được khắc phục triệt để. Ngành sư phạm phải thu hút được những sinh viên yêu thích nghề giáo, có năng lực, có đạo đức, từ đó mới có thể đào tạo thành những giáo viên tâm huyết và có năng lực. Việc thi tuyển nên nâng từ 3 môn như hiện nay lên 4 nội dung. Ngoài 3 môn chuyên ngành theo từng khối (ngành), cần có thêm nội dung tự luận thể hiện nhận thức, tình cảm, trách nhiệm, hoài bão về ngành sư phạm, về nghề giáo.
Nâng chất lượng đầu ra
Một vấn đề rất quan trọng là phải đổi mới khâu đào tạo. Công tác đào tạo ngành sư phạm phải tạo ra các giáo viên “lành nghề” chứ không phải chỉ là các cử nhân sư phạm, cũng như ngành báo chí phải đào tạo ra những người có thể làm báo chứ không phải chỉ là cử nhân báo chí. Đào tạo cho sinh viên ngành sư phạm phải kết hợp cả 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Để đảm bảo 3 yêu cầu này có thể tăng số tín chỉ so với hiện nay hoặc tăng thời gian đào tạo. Quá trình đào tạo phải tăng phần thực hành và thực tập, nhất là khả năng kết hợp các phương tiện kỹ thuật hiện đại để áp dụng trong bài giảng. Trong thời gian đào tạo nên có sự sàng lọc kỹ để hướng những sinh viên chọn ngành chưa phù hợp có thể chọn lại ngành khác.
Cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng đầu ra của ngành sư phạm. Sinh viên sư phạm sau khi học đủ các học phần theo quy định phải trải qua kỳ sát hạch nghiêm túc, bao gồm các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và khả năng xử lý các tình huống thực tế. Kỳ sát hạch nên bao gồm thi viết và thể hiện một bài giảng hoặc xử lý một giáo án, tức bao gồm cả phần lý thuyết lẫn thực hành. Nếu cần thiết có thể xét tuyển đầu ra theo một tỷ lệ nhất định để tăng khả năng cạnh tranh cho các sinh viên, đồng thời phải tùy theo nhu cầu giáo viên của từng giai đoạn cụ thể của từng địa phương, khu vực.
Với quá trình đào tạo và sát hạch nghiêm túc, sinh viên sư phạm khi ra trường có thể được tuyển dụng ngay mà không cần xét tuyển hay tập sự. Việc tuyển dụng có thể theo địa phương (sinh viên ở tỉnh - thành nào sau khi tốt nghiệp phải trở về địa phương đó nhận nhiệm sở) hoặc theo nhu cầu của từng địa phương đối với giáo viên ở từng lĩnh vực. Việc trả lương nên bao gồm lương theo hệ số + hệ số trình độ (áp dụng đối với người có bằng sau đại học) + mức thâm niên + hệ số của địa bàn công tác. Trong đó, hệ số lương cần tiếp tục được cải tiến theo đòi hỏi chung của toàn xã hội, ở tất cả các ngành khác.
Chú trọng công tác đào tạo giáo viên một cách đúng mức, đầy đủ là cách để có những người thầy giỏi, không chỉ có thể giảng dạy tốt mà còn có thể đóng góp tâm huyết, sáng kiến phục vụ sự phát triển nước nhà.
Trịnh Minh Giang