Đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ kích thích học sinh sáng tạo

Đổi mới cách dạy và học, nhiều trường học ở TPHCM không chỉ đầu tư dạy học theo dự án, tích hợp, liên môn mà còn mở rộng hoạt động trải nghiệm thực tế, đưa lớp học ra bên ngoài cổng trường. Từ những giờ học sáng tạo này, cách cho điểm và đánh giá năng lực học sinh cũng khác.
Đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ kích thích học sinh sáng tạo

Đổi mới cách dạy và học, nhiều trường học ở TPHCM không chỉ đầu tư dạy học theo dự án, tích hợp, liên môn mà còn mở rộng hoạt động trải nghiệm thực tế, đưa lớp học ra bên ngoài cổng trường. Từ những giờ học sáng tạo này, cách cho điểm và đánh giá năng lực học sinh cũng khác.

Tiết học ngoài lớp được tính điểm

Tham dự những tiết học ngoài nhà trường, trải nghiệm thực tế sinh động bằng trực quan, học sinh các khối lớp đều hào hứng và thích thú. Điển hình như giờ học Sinh vật, nếu được trải nghiệm thực tế, khám phá ở khu du lịch sinh thái Cần Giờ, Thảo Cầm viên Sài Gòn… học sinh sẽ hiểu, thấm bài học sâu hơn.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) trải nghiệm tiết học ngoài nhà trường với môn Lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Sau khi tìm hiểu về thảm thực vật đa dạng và các loài động vật đang nuôi dưỡng ở Thảo Cầm viên gồm bộ ăn thịt, bộ linh trưởng, bộ gặm nhấm, bộ móng guốc… học sinh của nhiều trường THCS cảm thấy giờ học trở nên thú vị. Không chỉ trả lời những câu hỏi được soạn sẵn trên giấy, nhiều học sinh còn ghi chép kỹ càng để làm bài thu hoạch, các em còn chụp hình làm tư liệu.

Theo cô Lê Thị Bội Ngọc, giáo viên môn Sinh vật, Trường THCS Nguyễn Du, tiết học ngoài nhà trường không chỉ mang ý nghĩa đổi mới phương pháp dạy học mà còn đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, học sinh lớp 7 sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm và kết quả được tính vào điểm số 15 phút.

Tương tự, học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình cũng có những giờ học ngoại khóa - trải nghiệm môn Lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Dưới sự hướng dẫn, giới thiệu tỉ mỉ của hướng dẫn viên, học sinh vừa tham quan khám phá các hiện vật trưng bày tại bảo tàng vừa hiểu sâu từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Điều khiến học trò cảm thấy thú vị là khám phá nhiều kiến thức bổ ích, phong phú mà sách giáo khoa còn thiếu.

Theo các giáo viên dạy Sử, đi trải nghiệm thực tế như đến bảo tàng, tham quan di tích lịch sử trên địa bàn TPHCM, học sinh sẽ thấy môn học này ít khô khan và thích học hơn. Không những thế, các em có thêm cơ hội trau dồi thêm kiến thức, tăng kỹ năng thực hành khi làm bài thu hoạch.

Từ năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM đã khởi động chương trình tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm viên Sài Gòn nhằm tăng cường kỹ năng thực hành, thực nghiệm, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn sự đa dạng sinh học cho học sinh từ lớp 6 đến 12. Theo chủ đề gắn với chương trình đã học ở môn Sinh nhưng được Hội đồng bộ môn Sinh học của TP Trung tâm Giáo dục vườn thú thiết kế khoa học, thống nhất, học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá môn học này một cách bài bản, thiết thực.

Kiểm tra học kỳ ở phòng… “khủng”

Tiếp nối thành quả đổi mới giáo dục từ năm học trước, trong học kỳ 1 của năm học này, nhiều trường THCS, THPT ở TPHCM đã đẩy mạnh chủ trương dạy và học theo hướng sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm. Cụ thể như dạy học theo dự án, theo chủ đề, dạy tích hợp, lồng ghép kiến thức liên môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhờ được nhúng vào môi trường học tập sáng tạo, thoát khỏi lối mòn tiếp thu kiến thức một chiều, học sinh như được “sổ lồng”, thể hiện năng lực, sở trường riêng của mình. Không chỉ làm chủ tiết học bằng công nghệ, mở rộng kiến thức đã học từ khám phá thực tế, thu thập tư liệu phong phú từ nhiều nguồn, học sinh của nhiều trường như THPT Lê Quý Đôn, Đinh Thiện Lý, Nam Sài Gòn… còn thể hiện tính chuyên nghiệp trong làm phim, quay video, đóng kịch và hóa thân vào từng nhân vật lịch sử, văn học...

Theo các hiệu trưởng, với những tiết học sáng tạo, học theo dự án hoặc trải nghiệm thực tế, ngoại khóa, các tổ bộ môn đều đưa ra tiêu chí đánh giá học sinh và cho điểm 15 phút hoặc 1 tiết đối với cá nhân hoặc cả nhóm (tùy theo hiệu quả, năng lực riêng). Cách đánh giá mới này đã khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động giáo dục ngoài trường học, phát huy tinh thần đồng đội, làm việc theo nhóm, phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.

Không chỉ đổi mới cách dạy và học, mới đây Trường THPT Đinh Thiện Lý còn thí điểm cách tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh. Theo đó, tại phòng đa năng rộng lớn, 350 học sinh khối lớp 9 và 10 cùng tham dự kỳ kiểm tra học kỳ 1 năm học 2016-2017. Đây là hình thức kiểm tra mới và phòng này bố trí 14 giám thị cùng một số thành viên ban giám hiệu, ban điều hành thi của trường giám sát. Phòng thi đảm bảo nguyên tắc học sinh cùng lớp không ngồi gần nhau và hai học sinh ngồi gần nhau sẽ làm hai mã đề khác nhau. Nếu đề thi theo tự luận thì mỗi khối lớp có hai mã đề; còn theo trắc nghiệm thì mỗi khối lớp có 4 mã đề.

Theo cô Phan Thị Bích Thủy, cách tổ chức theo kiểu mới này nhằm rèn luyện cho học sinh tính trung thực, nghiêm túc trong thi cử. Hơn nữa, thi ở phòng lớn cũng giúp học sinh có tâm lý thoải mái hơn và công tác điều hành chung cũng thống nhất, thuận lợi, giảm bớt nhân sự.

Thực tế cho thấy, “mắt xích” kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mục tiêu đổi mới cách dạy - học hiện nay. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng khâu kiểm tra đánh giá năng lực người học nhìn chung vẫn bộc lộ sự yếu kém, nghèo nàn về phương pháp, cách thức. Đặc biệt là nó chưa gắn với thực tế đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Vì thế, công việc cấp bách đặt ra là Bộ GD-ĐT phải đổi mới quy chế đánh giá xếp loại học sinh, trong đó vẫn chú trọng mục tiêu dạy chữ, coi trọng điểm số là chính. Để đánh giá học sinh một cách toàn diện, nhà trường cần được trao quyền, chủ động đổi mới, đa dạng hóa cách đánh giá năng lực người học thông qua  hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.


Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục