Giữa lúc Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, việc nhìn lại những gì đã đạt được và những gì chưa được cũng như xác định nhiệm vụ trong tương lai là điều cần thiết. Đánh giá kết quả của đổi mới phải có sự đánh giá toàn diện, nhưng ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đến những chỉ số kinh tế và xã hội, những điều có thể nhìn thấy trên bình diện quốc tế cũng như những kinh nghiệm và ý kiến của hàng trăm người Việt Nam đã chia sẻ với tôi trong những chuyến thăm Việt Nam từ 1985 đến 2010.
Theo hiểu biết của tôi, đổi mới có nghĩa là Việt Nam tiếp thu CNXH trong điều kiện và thực tiễn của đất nước mình. Trong hoàn cảnh đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề và trình độ của lực lượng sản xuất thấp, một nền kinh tế kế hoạch tập trung chỉ có khu vực nhà nước đã không hoạt động hiệu quả. Nhân dân rơi vào tình trạng cực nghèo, lạm phát tăng không thể kiềm chế và không đủ tiền trợ cấp y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội.
Sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thời điểm đó là phát triển giai đoạn đầu của quá trình quá độ đi lên CNXH bằng cách sử dụng cơ chế thị trường. Đảng hiểu rằng mô hình CNXH ở Đông Âu không phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã tránh được một sự sụp đổ như ở Đông Âu và phát triển đất nước theo hướng vì quyền lợi của nhân dân. Các kiến trúc sư của đổi mới luôn luôn xem đó như là tiền đề cho CNXH chứ không phải cho CNTB.
Chính vì vậy, đổi mới cần được đặt trên cơ sở là nó phát triển Việt Nam như thế nào và nó thúc đẩy quá độ đi lên CNXH như thế nào.
Thành tựu
Thành tựu lớn nhất của đổi mới là xây dựng được cơ sở kinh tế cho Việt Nam. Nó đã là động lực phát triển của lực lượng sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho đại bộ phận người lao động và tăng sản xuất hàng hóa cho nhân dân. Quan trọng nhất là việc cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân, khi nhân dân được ăn no hơn, ngon hơn và nâng cao mức sống gia đình. Điều này thấy rõ khi thế hệ trẻ em Việt Nam ngày nay cao lớn hơn và khỏe hơn trước kia. Đồng tiền Việt Nam đã được ổn định và lạm phát đã chấm dứt trong vài năm. Trong công cuộc đổi mới, sức sáng tạo của nhân dân trong việc xây dựng xã hội đã được phát huy tối đa. Những sáng kiến trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đã làm lợi trực tiếp cho người lao động và cho toàn xã hội.
Đổi mới còn góp phần làm cho Việt Nam có thể bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của mình giữa lúc Mỹ vẫn còn bao vây cấm vận kinh tế Việt Nam và trong quá trình toàn cầu hóa. Việt Nam làm được điều đó nhờ vào cách duy trì các lực lượng vũ trang và nền ngoại giao mạnh mẽ, không lệ thuộc vào các thể chế tài chính quốc tế vì sự sống còn của mình.
Đổi mới cũng đã chứng kiến một nền dân chủ XHCN đã trưởng thành ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt rễ sâu trong nhân dân và có khả năng phản ứng nhanh với những sai lầm như những nông dân ở Thái Bình những năm trước đấu tranh chống lại thái độ quan liêu và trao quyền vào tay những nhà lãnh đạo xuất thân từ quần chúng. Quốc hội hiện làm việc như tiếng nói tích cực của nhân dân, có khả năng kiến tạo các bộ luật và đặt các bộ trưởng đối mặt với trách nhiệm công việc của họ. Hàng loạt các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã trao quyền hành cho những người xuất thân từ nhân dân cũng như những người ra quyết định thực tế trong cộng đồng của mình.
Những mâu thuẫn
Đổi mới đã mang lại những thành tựu to lớn nhưng cũng dẫn đến một vài yếu kém. Phép biện chứng chỉ ra rằng mọi vật đều hàm chứa mâu thuẫn nội tại của nó. Quá trình đổi mới cũng vậy. Cơ chế thị trường nhằm định hướng sự khởi đầu của quá độ lên CNXH vốn đã có những đặc điểm tiêu cực của CNTB thị trường. Sự giải phóng lực lượng sản xuất đã tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho đại bộ phận nhân dân và mối quan hệ của việc khai thác khu vực tư nhân đang phát triển. Thành công của nền kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều hàng hóa cho người dân và cũng tạo ra ảo tưởng về CNTB. Cởi mở hơn trong việc tự thể hiện mình đã tạo ra thời kỳ rực rỡ cho phát triển văn hóa nhưng cũng tạo ra chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ. Hàng hóa dồi dào giúp cải thiện cuộc sống người dân nhưng cũng tạo ra chủ nghĩa tiêu dùng phát triển nhanh.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự thịnh vượng đồng thời cũng hình thành mối đe dọa sẽ tạo ra một lớp người giàu có, những người mà lợi ích của họ tách biệt khỏi đại bộ phận người lao động. Hậu quả rõ ràng nhất là vấn đề tham nhũng được báo chí Việt Nam đề cập rất chính xác.
Đối với tôi, vấn đề tiêu cực nhất là sự phát triển chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội, những điều đã khiến các quan chức đặt lợi ích bản thân và gia đình họ lên trên lợi ích của nhân dân, những người mà họ đang phục vụ. Tôi đã từng chứng kiến nhiều quan chức quan tâm đến kích cỡ ngôi nhà và xe hơi sang trọng hơn là những gì mà công nhân đang phải chịu đựng trong các khu công nghiệp và những khó khăn mà nông dân đang đối mặt. Điều này cũng đặt ra vấn đề là sự phát triển kinh tế Việt Nam đang làm lợi cho ai trong tương lai.
Sự phát triển có thể phản tác dụng nếu những nhu cầu của hành tinh của chúng ta bị làm ngơ. Gần đây, một bài báo trên báo Việt Nam viết về một dự án tăng cây trồng biến đổi gene trong các nông trại ở Việt Nam. Bài báo đã cảnh báo, đó là những đe dọa đối với sự độc lập trong vấn đề lương thực của Việt Nam khi Công ty Monsanto và những công ty khác bán hạt giống mà mọi người thường gọi là “kẻ hủy diệt”, tức là những hạt giống không thể cho ra hoa kết quả trong vụ mùa tiếp theo. Và mỗi năm, nông dân phải mua hạt giống từ các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Câu hỏi Việt Nam sẽ làm gì để giải quyết những mâu thuẫn hiển nhiên trong quá trình đổi mới. Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất là sử dụng sức mạnh của chính mình để vượt qua yếu kém. Từ khi có đổi mới nhằm mục đích xây dựng CNXH, những nguyên tắc XHCN cần phải được sử dụng để khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Thành công của đổi mới trong phát triển kinh tế đang tạo ra cơ hội cho những phương pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế, dân chủ và văn hóa XHCN.
Với sự lớn mạnh của lực lượng sản xuất và công nghệ, các hình thức hợp tác mới do chính người lao động làm chủ và điều hành sẽ trở thành hiện thực, đặt người lao động vào vị trí trung tâm của bất kỳ chiến lược phát triển nào. Các doanh nghiệp nhà nước có thể được sắp xếp hợp lý và được củng cố nhằm phục vụ mục đích cốt lõi của nền kinh tế, đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước là vì chính nhân dân chứ không phải CNTB quốc tế.
Việt Nam có đủ điều kiện cho việc mở rộng dân chủ XHCN đến cấp độ địa phương, đó là tỷ lệ người biết chữ rất cao, sự phát triển của công nghệ thông tin và hoạt động sâu rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức quần chúng. Việc dự thảo ngân sách, lên kế hoạch và môi trường sinh thái phải đảm bảo rằng sự phát triển của đất nước phải phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Việc dùng đất nông nghiệp cho các sân golf và những kế hoạch tương tự cần phải dừng lại.
Hiện nay, Việt Nam nên thay thế nhu cầu cần đạt được mọi thứ để cảm thấy yên tâm bằng cuộc sống bền vững. Việc chú trọng vào chủ nghĩa tiêu dùng để phát triển kinh tế cần phải nhường chỗ cho mối quan hệ về những giá trị văn hóa giữa con người hơn là mối quan hệ với vật chất. Môi trường cần được bảo vệ cho các thế hệ mai sau.
Nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam không quên sự hy sinh to lớn của các thế hệ vì tự do của đất nước Việt Nam. Họ đánh giá cao nền độc lập của Việt Nam và nhận thức được rằng chỉ có thể đảm bảo nền độc lập bằng CNXH. Nếu không được kiềm chế, cơ chế thị trường sẽ tiếp tục tạo ra những quả táo hỏng như cách chúng tôi nói ở Mỹ. Những quả táo hỏng là tham nhũng và những kẻ cơ hội trong nhân dân, trong Đảng, sẽ phá hủy dần niềm tin của nhân dân.
Ưu tiên của đổi mới phải là triệt tiêu mảnh đất màu mỡ cho các yếu tố xấu nảy mầm bằng cách kiểm soát thích hợp nền kinh tế và việc tạo ra sự giàu có của một số các nhân vật. Khi nền dân chủ XHCN được mở rộng, nhân dân có thể phơi bày và đánh bại chúng. Điều này giúp củng cố niềm tin và tình yêu đối với Đảng và CNXH. Một trong những điều mà tôi nghe được từ giới trẻ Việt Nam trong những chuyến thăm của tôi là những từ hay nhất, đẹp nhất của cuộc cách mạng mâu thuẫn với thực tế của một xã hội tiêu dùng với tham nhũng và quan liêu.
Những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn có thể được giải quyết bằng cách nhấn mạnh rõ rằng thành công của đổi mới không phải nhờ vào nền kinh tế thị trường mà nhờ vào sự phát triển XHCN tận dụng cơ chế thị trường. Việt Nam có thể tạo ra những thành công này để loại bỏ vết tích xấu của xã hội tư bản không vì con người và tiến lên giai đoạn cao hơn của lịch sử.
MERLE RATNER
(Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở New York)