Mới đây, tại hội thảo về định hướng giáo dục STEM do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết nhiều năm qua TPHCM đã đổi mới rất nhiều từ phương pháp dạy đến chương trình học ở các bậc học. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là đến nay đổi mới chỉ được áp dụng mạnh mẽ ở 2 bậc tiểu học và THCS.
Riêng bậc THPT, do còn vướng áp lực từ kết quả kiểm tra, đánh giá thi cử, nếu dạy học theo hướng đổi mới, sáng tạo, học sinh sẽ khó đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia nên các trường còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Từ thực tế đó, nhà giáo này kiến nghị, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT nên thiết kế lại sao cho kiểm tra, đánh giá kết quả đầu ra đáp ứng được yêu cầu đổi mới, có vận dụng năng lực sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn của học sinh, để qua đó tạo thêm điều kiện cho giáo viên mạnh dạn đổi mới.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, một trong những cái khó của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay là liên quan đến các vấn đề thi cử, mà đổi mới thi cử lại liên quan đến Luật Giáo dục. Nếu không cải cách đồng bộ sẽ khó phát huy hiệu quả lâu dài của chủ trương đổi mới.
Ở phạm vi các trường phổ thông, chia sẻ với chúng tôi, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, đơn vị đang áp dụng mạnh mẽ mô hình học tập trải nghiệm, tức kiến thức không được truyền thụ một cách cứng nhắc, một chiều trên lớp mà thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm, học sinh sẽ có cơ hội tự nắm bắt cũng như phản biện các vấn đề được đặt ra trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đi kèm với đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường phải đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, bài kiểm tra không đơn thuần đánh giá năng lực học sinh bằng độ ghi nhớ kiến thức thuần túy mà phải có những câu hỏi giúp học sinh thể hiện được mức độ thông hiểu, khả năng vận dụng vào thực tiễn. Yêu cầu này vô hình trung khiến giáo viên phải “thêm việc”, đầu tư nhiều hơn vào bài giảng so với phương pháp dạy truyền thống.
Bởi một giáo án chỉn chu thôi chưa đủ, người dạy còn cần có sự kết nối, dẫn dắt khéo léo để học sinh phát huy khả năng sáng tạo, biết liên hệ, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
“Ở trường tôi, đội ngũ giáo viên trẻ rất giàu nhiệt huyết và năng lượng, họ nhanh nhạy, chủ động áp dụng các phương pháp dạy học mới. Nhưng một bộ phận giáo viên lớn tuổi lại có sức ý tâm lý khá lớn khiến các thầy cô ngại đổi mới, sợ đổi mới rồi nhận phản ứng trái chiều của phụ huynh này nọ”, cô hiệu trưởng trường này cho biết.
Đây cũng là thực tế chung ở nhiều đơn vị, khi một bên là chủ trương “đổi mới, sáng tạo” nhưng bên kia giáo viên vẫn phải chịu sức ghì quá lớn của đánh giá thành tích, chấm điểm thi đua.
Qua đó cho thấy, đổi mới giáo dục nếu chỉ hô hào, kêu gọi thôi chưa đủ. Nếu người giáo viên không được trao quyền, không có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo cũng như bản lĩnh sư phạm thì khó tạo ra hiệu quả đổi mới toàn diện. Khi đó, mọi sự thay đổi, cải cách sẽ rơi vào cảnh chắp vá, làm cho có, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.