VIETNAM TOURISM STARTUP 2017-

Đổi mới sáng tạo, đam mê khám phá, nâng tầm du lịch Việt Nam

Gần đây làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và đang có những chuyển biến tích cực.

 Năm 2016 vừa qua được coi là Năm Quốc gia Khởi nghiệp, chính phủ từng bước đồng hành cùng doanh nghiệp để khởi nghiệp một cách thực chất, hiệu quả và thúc đẩy xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các quỹ mạo hiểm có được cơ chế hoạt động, xây tạo các vườn ươm doanh nghiệp...

Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan incubator) cho biết, khởi nghiệp ngày nay đã đổi mới và việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn rất nhiều. Với cơ chế thuận lợi, Việt Nam đang ngày càng nhiều các nhà đầu tư thiên thần, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro hoặc thậm chí mất trắng khi rót vốn cho các startup. Tuy nhiên, muốn thu hút nguồn vốn này thì bản thân các startup phải có tính đột phá về công nghệ, độc đáo về ý tưởng cũng như chứng minh được tính khả thi và ứng dụng vào thực tiễn cao.

Ông Quân cho rằng việc tổ chức các chương trình tuyển chọn dự án startup đầy tiềm năng, ươm tạo nó và sau đó kết nối các nhà đầu tư thiên thần chính là cách hỗ trợ tối ưu. Vì vậy, ông cùng đội ngũ quản lý Songhan incubator đã triển khai chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp du lịch VTS 2017” vào ngày 14/04/2017 trên phạm vi cả nước. Cụ thể, các starup tham gia chương trình sẽ có cơ hội nhận được các gói hỗ trợ với tổng giá trị lên đến 4.000 USD. Ông Quân cho biết VTS 2017 là chương trình ươm tạo tăng tốc khởi nghiệp du lịch đầu tiên tại Việt Nam với sự hợp tác của nhiều đơn vị trong và ngoài nước như: Mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp VMI (Vietnam Mentors Initiative), Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần iAA (i-Angel Accelerator), Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp & kinh doanh WISE, SWISS EP (chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ), SYS (Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp), VNHomnay...

Poster chương trình VTS 2017
 Một trăn trở khác của sinh viên cũng được ông Lý Đình Quân giải đáp đó là “Làm thế nào để kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp hiện nay?”. Theo ông nhận định, với các dự án này đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian mới thu hồi vốn và phải liên tục cải tiến, nâng cấp đầu tư công nghệ nên việc kêu gọi đầu tư thật sự là một bài toán khó. Chính vì vậy, các bạn phải cho nhà đầu tư thấy được niềm tin về năng lực, thái độ thông qua các kỹ năng, kiến thức, tinh thần khởi nghiệp về tất cả các lĩnh vực, ý tưởng phải thực sự xuất sắc, mới lạ chứ không phải dựa những người đi trước và đặc biệt dự án phải có tính khả thi. Lúc đó, việc kêu gọi vốn, nhất là từ các nhà đầu tư Thiên thần (Nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận các rủi ro) không còn là điều quá khó khăn.

Điểm nổi bật của chương trình là không chỉ dừng lại ở mức kêu gọi ý tưởng mà sẽ đào tạo, tư vấn chuyên sâu, tư vấn chuyên ngành du lịch, giai đoạn cuối sẽ kết nối mạng lưới các chuyên gia cố vấn, nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế. Điều thu hút nhất đó chính là các nhóm sẽ có cơ hội nhận gói hỗ trợ về các dịch vụ marketing, tài chính, …trị giá lên đến 1.000USD để hoàn thiện mô hình khởi nghiệp và năng lực quản trị. Đây thật sự là một chương trình rất hữu ích trong bối cảnh lúc này để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp du lịch VTS 2017 (Vietnam Tourism Startup) được diễn ra từ ngày 14/4 đến ngày 30/11 trên phạm vi toàn quốc. Thông qua các dự án, ý tưởng đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên nền tảng khai thác tài sản trí tuệ, liên kết các nguồn lực hạ tầng du lịch, con người, địa điểm tiềm ẩn, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề.

Chương trình VTS 2017 bao gồm 3 vòng tuyển chọn dự án cùng với 6 lĩnh vực đăng ký thi tuyển :

Nhóm 1: Các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ..), nhà hàng, ẩm thực…

Nhóm 2: Vận tải, lữ hành, hướng dẫn.

Nhóm 3: Dịch vụ du lịch, giải trí, tham quan: chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, tổ chức hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa, lễ hội, lịch sử, biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng trưng bày, làng nghề truyền thống.

Nhóm 4: Truyền thông, quảng bá, thương hiệu du lịch

Nhóm 5: Thương mại hàng hóa phục vụ du khách như quà tặng, sản phẩm đặc trưng của điểm đến.

Nhóm 6: Đào tạo, tư vấn, quản lý điểm đến, giải pháp môi trường du lịch…

Trong chương trình, các sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thanh niên, các tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, các du học sinh đang học tập và làm việc ở  nước ngoài có ý tưởng phát triển du lịch Việt Nam đều có thể tham gia.

Hạn cuối nộp hồ sơ: 30/06/2017

Link đăng ký nộp hồ sơ: http://bit.ly/2pMuQAu 

Thông tin chi tiết chương trình: www.tourismstartup.com

Fanpage: : https://www.facebook.com/khoinghiepsonghan/

Tin cùng chuyên mục