Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do virus sởi gây ra. Khi trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Và trẻ bị nhiễm virus sởi gần như 100% có biểu hiện bệnh lý.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông - xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài tạo thuận lợi cho việc bùng phát dịch sởi, nhất là những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi mũi 1.
Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do virus sởi hoặc do bội nhiễm sau sởi (thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, nhất là trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch, hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai). Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng. Biến chứng viêm phế quản thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, trên phim X-quang nhìn rõ hình ảnh phế quản bị viêm. Biến chứng viêm phế quản - phổi là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi sởi mọc ban.
Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng; trên phim X-quang cho thấy có nốt mờ rải rác hai phổi. Biến chứng viêm thanh quản có thể gặp ở các giai đoạn của bệnh sởi. Biến chứng ở giai đoạn sớm là do virus sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban, biến chứng viêm có thể mất theo nốt ban, bệnh nhân có cơn khó thở do co thắt thanh quản. Biến chứng ở giai đoạn muộn là do bội nhiễm (hay gặp do bệnh nhân sởi bị nhiễm tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái. Biến chứng viêm não - màng não - tủy cấp là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), xuất hiện vào tuần đầu của ban (ngày 3 - 5 của ban). Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức, như: hôn mê, liệt nửa người hoặc một bên chi…
Biến chứng viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa là biến chứng ít gặp nhưng rất khó tiên lượng và để lại bệnh cảnh nặng nề, thường gặp ở độ tuổi từ 2 - 20, xuất hiện muộn sau vài năm mắc sởi. Điều này cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Biến chứng tai-mũi-họng thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm…
Chăm sóc trẻ mắc sởi bằng tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh. Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức. Tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
Để phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, người dân cần thực hiện các biện pháp, như: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B. Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh… Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất và khi tiêm cho miễn dịch bền vững và lâu dài. Tiêm mũi 1 đối với trẻ 9 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95% - 99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.
BS HOÀNG OANH
|