Trong khi 195 quốc gia đang tụ họp tại Doha, Qatar trong Hội nghị quốc tế của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 18) thì những hậu quả của biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra trên toàn cầu: nhiều nơi lạnh giá và khô hạn bất thường trong khi nhiều nơi mưa bão lớn tàn phá. Nếu không có một nghị định thư (NĐT) mới thay cho NĐT Kyoto, thế giới sẽ gánh thêm nhiều thảm họa từ biến đổi khí hậu.
Kêu cứu
43 thành viên của Liên minh các quốc gia có nguy cơ biến mất trong bối cảnh mực nước biển dâng cao (AOSIS) đã cáo buộc Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ không khẩn cấp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Họ yêu cầu COP 18 nhanh chóng đưa ra NĐT mới về cắt giảm khí thải thay cho NĐT Kyoto hết hạn vào cuối năm 2012. Ngoại trưởng đảo quốc Nauru Kieren Keke nói với CNN: “Một vài nước sẵn sàng ký tiếp NĐT thứ 2 sau NĐT Kyoto, trong đó có các nước khối EU và Australia nhưng các nước Canada, Nga và Nhật Bản không chịu ký vào việc mở rộng NĐT Kyoto, rất thất vọng”.
Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết trong năm 2007 mực nước biển sẽ tăng từ 18 đến 59cm trong thế kỷ này nhưng với tốc độ băng tan ở Bắc cực nhanh hơn nhiều so với dự kiến đã khiến nhiều nhà khoa học nâng mức dự báo này lên khoảng 1m. Trong số những nước bị đe dọa nhất là quần đảo Marshall, nằm giữa Hawaii và Papua New Guinea.
Đảo quốc Nauru, thuộc Tây Thái Bình Dương cũng vậy, dân ở đây không còn nhiều đất để đi lại. Nhìn từ hình ảnh vệ tinh, hòn đảo này trông giống như một hòn sỏi trắng giữa màu xanh thẫm của Thái Bình Dương. Diện tích chỉ 21km2, dân số khoảng 10.000 người, đa số sống ở bờ biển. Điểm cao nhất của Nauru cách mặt nước biển 60m nhưng đa số các khu vực của đảo bị tàn phá do tình trạng khai thác phosphate.
Ngoại trưởng Keke nói: Trước đây, các mô hình thời tiết dự đoán được như kiểu một mùa mưa và một mùa khô theo chu kỳ hàng năm. Nếu có hạn hán cũng chỉ giới hạn. Bây giờ đã khác hoàn toàn. Thiên tai ngày càng khó dự báo, hạn hán có thể dài 7 hay 8 tháng và chúng tôi bị những cơn bão mạnh hơn làm bờ biển xói mòn. Bây giờ biển đã đến tận nhà của người dân”.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mật độ và cường độ các cơn bão lớn ở khắp nơi trên thế giới. Cơn bão Bopha xuất hiện vào tháng 12 là điều hiếm thấy, hơn nữa nó lại là cơn bão mạnh và lần đầu tiên trong nhiều thập niên tràn vào đảo Mindanao, miền Nam Philippines. Lũ lụt có khả năng xảy ra thường xuyên hơn vì độ ẩm tăng lên trong khí quyển. Mực nước biển dâng cao là yếu tố đặc biệt quan trọng, vì số lượng các cộng đồng sống ven biển đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây. Tại Mỹ, siêu bão Sandy cuối tháng 10 đã gây ngập lụt trên diện rộng, phá hủy hệ thống đê điều kiên cố gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.
Tranh cãi về giải pháp
Nhiều nước trên thế giới đang đòi Trung Quốc và Ấn Độ (nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất và thứ ba trên thế giới) cũng phải tham gia cắt giảm khí thải như nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Theo NĐT Kyoto, Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong 40 nước phát triển phải cắt giảm 5% khí thải carbon vào năm 2012 so với mức năm 1990.
Ngoài vấn đề cắt giảm khí thải, 3 vấn đề lớn tại COP 18 được nhiều người quan tâm nhất là chấm dứt tài trợ giá nhiên liệu hóa thạch (một hành động có thể làm giảm lượng khí thải carbon hơn 10% vào năm 2050), hiện đại hóa nông nghiệp và tăng cường sử dụng công nghệ cao để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu.
Một chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp và an ninh lương thực cho thấy rằng 14% lượng khí thải toàn cầu như carbon, nitơ và mêtan được tạo ra từ các hoạt động của nông nghiệp. Con số này tăng lên đến khoảng 20%-30% trong những năm gần đây, kể cả trong quá trình sản xuất thực phẩm (lưu trữ, giao thông vận tải, điện lạnh liên quan đến nông sản). Ngoài các khoản trợ cấp nhiên liệu ở các nước đang phát triển, các nước giàu có năm ngoái đã dành hơn 58 tỷ USD tiền thuế và các khoản thanh toán ưu đãi khác cho ngành công nghiệp dầu/khí/than.
Cơ quan Năng lượng quốc tế năm 2010 cho thấy rằng trợ cấp nhiên liệu không phải là một biện pháp hiệu quả chống lại đói nghèo bởi vì chỉ có 8% khoản trợ cấp đến được với 20% người có thu nhập thấp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế LHQ (OECD) đã tính toán rằng việc loại bỏ các khoản trợ cấp trong lĩnh vực này có thể làm giảm lượng khí thải carbon hơn 10% vào năm 2050. Nói đến trợ cấp nhiên liệu thì Mỹ, một trong những nước trợ cấp xăng dầu lớn nhất thế giới với 13 tỷ USD, chiếm 25% của tổng số tiền trợ cấp trên toàn cầu.
Trong số các giải pháp kỹ thuật để giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, COP 18 đã tập trung vào các biện pháp tương đối rẻ tiền để chống lại những thay đổi trong hóa học khí quyển. Đó có thể là cách dùng thiết bị phản xạ trở lại một số ánh sáng Mặt trời rọi vào Trái đất, tăng lưu trữ thực vật bằng cách tái trồng rừng, tăng sinh khối đại dương để thúc đẩy việc lưu trữ carbon trong đại dương và giảm carbon trong khí quyển. Ngoài ra, một biện pháp đơn giản nhất để giảm khí thải là sử dụng hiệu quả năng lượng.
Hơn thế nữa, các biện pháp phòng chống thiên tai phải được xem trọng. Các chính phủ phải khẩn trương đánh giá lại kế hoạch giảm nhẹ thiên tai, nhất là lũ lụt. Điều này sẽ bao gồm các đánh giá về đê điều và các bức tường ngăn biển, đây là ưu tiên trong các biện pháp phòng chống bão, kiểm tra hệ thống thoát nước ở các thành phố, tăng cường các sườn dốc nguy hiểm và thành lập hệ thống cảnh báo lũ quét ở các vùng miền núi.
Có thể nói, tình trạng biến đổi khí hậu đang kêu cứu khẩn cấp trong khi các chính phủ vẫn còn tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Bây giờ hành động khẩn trương cũng có thể đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ.
Khánh Minh (tổng hợp)