Đối phó dịch bệnh rubella

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch bệnh rubella tại một công ty ở tỉnh Bình Dương khiến hơn 20 công nhân mắc phải, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo các địa phương về nguy cơ bùng phát dịch bệnh này trong mùa đông - xuân.
Đối phó dịch bệnh rubella

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch bệnh rubella tại một công ty ở tỉnh Bình Dương khiến hơn 20 công nhân mắc phải, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo các địa phương về nguy cơ bùng phát dịch bệnh này trong mùa đông - xuân.

Theo Bộ Y tế, dịch rubella mặc dù có thể phòng ngừa bằng tiêm vaccine, nhưng độ bao phủ chưa hết nên trong những năm gần đây vẫn xuất hiện rải rác các ổ dịch, đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.

Nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai

“Thực tế thời tiết trong thời gian gần đây có khác biệt, trở lạnh về sáng sớm và tối nên trẻ em cũng mắc nhiều bệnh, nhất là hô hấp, chứ chưa ghi nhận trẻ mắc sởi, rubella”, BS Lê Thị Út, Khoa Khám trẻ lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.

Tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh rubella tốt nhất.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Viện Pasteur TPHCM trong các ngày đầu tháng 2-2015 cho thấy có sự gia tăng khám và chích ngừa các bệnh dịch sởi - rubella. Theo một cán bộ Khoa Tiêm chủng Viện Pasteur TPHCM, từ tháng 10-2014, TPHCM đã tổ chức chích ngừa bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi, nhưng vẫn còn nhiều trẻ do phụ huynh chưa quan tâm và hiểu biết nên chưa cho chích. Đến khi có thông tin dịch bệnh bùng phát mới cho đi chích. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiến hành trong 3 đợt tại các trường học. Đợt 1 trong tháng 10 và 11-2014 cho đối tượng học sinh THCS, đợt 2 từ tháng 12-2014 đến 1-2015 cho học sinh tiểu học và đợt 3 từ tháng 2 và 3-2015 cho trẻ ở nhà trẻ và mẫu giáo. Ước tính thành phố có hơn 1,35 triệu trẻ em thuộc 3 cấp học này. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, để có thể tiêm chủng tại trường học, phải đạt đủ tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh từ 80% trở lên.

Dịch bệnh rubella không chỉ nguy hiểm cho trẻ em và học sinh, mà còn nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh rubella chỉ gây sốt phát ban và hết trong khoảng 7 ngày nhưng ở phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bệnh có thể gây dị dạng cho thai nhi. “Ước tính có tới 90% phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ sinh ra trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển, gan to, lách to...”, ông Phu nói. 

Cần chích ngừa đầy đủ

Theo Cục Y tế dự phòng, rubella là dịch bệnh thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Dịch bệnh này có thể lan rộng vì lây qua đường hô hấp. Bệnh lây lan nhanh còn do người mắc có thời gian ủ bệnh khoảng 7 ngày. Như vậy, khi bị phát ban, trước đó 1 tuần, người mắc rubella đã truyền bệnh cho những người từng tiếp xúc với mình. Rubella thường xuất hiện ở những nơi đông dân cư như trường học, cơ quan, xí nghiệp... Viện Pasteur TPHCM cho hay, biểu hiện của bệnh rubella bao gồm: sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, vùng chẩm, sau tai. Bệnh có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn. Trên lâm sàng, bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác, nhất là với sởi và có tới 50% trường hợp bệnh biểu hiện lâm sàng không điển hình. Những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh; người sau khi mắc bệnh có miễn dịch bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, triệu chứng của bệnh rubella thường nhẹ nên rất khó phát hiện sớm, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh thường khởi phát sau 7 đến 10 ngày kể từ khi nhiễm virus. Khi phát bệnh thường xuất hiện những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân, sau đó đến cánh tay và chân trước khi biến mất. Ban này tồn tại từ 1 đến 5 ngày. Khoảng từ 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian người bệnh có khả năng lây rubella cho cộng đồng cao nhất.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh rubella, ngoài biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm chủng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo khi trẻ hơn 1 tuổi, cha mẹ nên cho con đi tiêm vaccine này. Còn người lớn, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nên đi tiêm vaccine phòng bệnh. Với phụ nữ mang thai, chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine và phải tiêm trước lúc có thai 3 tháng.

Ổ dịch rubella được ghi nhận khi có ít nhất 3 trường hợp rubella (trong đó ít nhất 2 trường hợp được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm) ở cùng một địa điểm (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/đơn vị và tương đương) trong vòng 1 tháng. Ổ dịch được gọi là chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 21 ngày. Nhóm người có nguy cơ cao mắc rubella là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục