Cuộc họp diễn ra khi ngày càng nhiều cánh cửa “khép lại” một cách kiên quyết trước mặt người di cư.
Ngày 12-9, Cộng hòa Czech đã triển khai thêm 1.100 cảnh sát ở nước ngoài nhằm kiểm soát dòng người di cư tại các đường biên giới châu Âu.
Lực lượng này chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, theo dõi tình hình, kiểm tra an ninh và kiểm tra các phương tiện vận tải tại các quốc gia trên “tuyến đường Balkan” như Hungary, Macedonia, Serbia, Hy Lạp và Slovenia.
Bên cạnh đó, Praha cũng gửi 330 cảnh sát tham gia European Frontex, cơ quan phụ trách bảo vệ đường biên giới và bờ biển của châu Âu, để bảo vệ đường biên giới vành ngoài của EU tại các nước Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Động thái trên cho thấy Cộng hòa Czech vẫn kiên quyết duy trì quan điểm từ chối việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU vì cho rằng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Động thái này cũng một lần nữa cho thấy rạn nứt trong EU liên quan đến phân bổ hạn ngạch năm 2015 nhằm tái định cư cho khoảng 160.000 người di cư vẫn chưa thể hàn gắn được.
Mới tuần trước, Tòa án Tư pháp châu Âu đã bác đơn khiếu nạn của Hungary và Slovakia về phân bổ hạn ngạch trên, đồng thời khẳng định cơ chế này đã tính toán kỹ lưỡng để hỗ trợ Hy Lạp và Italia đối phó với tác động từ cuộc khủng hoảng. Đương nhiên, cả Slovakia và Hungary chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”, tôn trọng phán quyết nhưng không thay đổi quan điểm, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh.
Các nước giữ quan điểm bất chấp cả việc EU vừa có hành động pháp lý để trừng phạt đối với Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech vì đã từ chối tiếp nhận người tị nạn theo kế hoạch củng cố sự đoàn kết của khu vực năm 2015.
Giới phân tích cho rằng một lần nữa phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng giữa các nước thành viên trong EU vì cho rằng EU đã không đưa được giải pháp tổng thể nên các quốc gia thành viên buộc phải sử dụng đến giải pháp của từng quốc gia để đối phó. Tự xây hàng rào thông minh có camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt như Hungary không còn là điều mới mẻ. Các nước Đông Âu đã vận dụng rất tốt cơ chế phối hợp, thoả thuận lẫn nhau. Quản lý an ninh biên giới tuyến đường Tây Balkan vẫn là ưu tiên hàng đầu mà các lực lượng an ninh và quân sự của các nước này phải đảm nhiệm trong thời gian tới, như Cộng hòa Czech vừa triển khai.
Theo báo chí châu Âu, di cư vẫn là vết thương chính trị trên sân khấu chính trị toàn châu Âu. Theo giới quan sát, EU vốn đang phải gồng mình xử lý hậu quả của việc Anh rời khỏi khối, nay gánh thêm những thách thức trên, sẽ không dễ dàng gì vượt qua trở ngại trước mắt. Ngay cả với Anh, khi ra khỏi EU, Anh không những không muốn đón nhận người di cư mà còn không muốn mở cửa cho người nhập cư châu Âu nữa.
Một tài liệu chính phủ vừa bị rò rỉ hồi đầu tháng cho thấy Anh đang cân nhắc các biện pháp hạn chế tình trạng nhập cư đối với mọi đối tượng, trừ những công nhân EU có tay nghề cao.