10 năm xây dựng nông thôn mới

Đời sống người dân được nâng cao

Đã 10 năm (2009-2019) TPHCM cùng cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn; trong đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, khoảng cách chênh lệch về thu nhập...

Phát huy vai trò của người dân

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, đây là chương trình được người dân ủng hộ và cùng chung sức xây dựng NTM. 10 năm qua, nguồn lực đầu tư rất lớn; nhờ đó sản xuất phát triển, có sự chuyển biến mạnh về chất lượng và đời sống người dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân tại chỗ.

TPHCM đang bước sang giai đoạn 2 trong việc xây dựng NTM với mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tất cả 56 xã của 5 huyện ngoại thành đều đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM nâng cao so với chuẩn trung ương và theo đặc thù của vùng nông nghiệp đô thị TPHCM. 

Ông Thái Quốc Dân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TPHCM, cho biết, thành tựu nổi bật sau 10 năm xây dựng NTM của TP có thể khái quát: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 427,2% khi năm 2018 bình quân đạt 502 triệu đồng/ha/năm, so với 2008 (117,5 triệu đồng/ha/năm) - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năng suất lao động tăng 206,1%, nếu năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, đến năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông lâm ngư nghiệp TPHCM cao hơn bình quân cả nước, ở mức trên dưới 6%/năm.

Ước tính thu nhập bình quân năm 2018 của người dân nông thôn đạt 54,76 triệu đồng/người, tăng 248,1% so với năm 2008 (15,73 triệu đồng/người).

Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn bằng 55,5% so với khu vực thành thị; đến năm 2010, bằng 66,5% và đến cuối năm 2016 bằng 71,9% (theo số liệu từ Cục Thống kê TP và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TPHCM). Hiện TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia...

TPHCM cũng ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (hỗ trợ lãi vay). Kết quả, ngân sách hỗ trợ lãi vay 1 đồng, vốn huy động được 19 đồng đầu tư trong dân và tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp đô thị chủ lực có giá trị kinh tế cao: rau - hoa - cây kiểng, bò sữa và heo, tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng).

Chương trình “Chung sức xây dựng NTM” với sự tham gia của hệ thống chính trị - xã hội và người dân với tổng vốn huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 10 năm qua trên 106.595 tỷ đồng. Trong đó 22,9% là vốn ngân sách, hơn 68% vốn tín dụng, 8,8% vốn của người dân và cộng đồng. 

Đời sống người dân được nâng cao ảnh 1 Nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nhà Bè
Ngoài ra, TPHCM còn đầu tư hơn 9.230 công trình hạ tầng, góp phần thực hiện an sinh xã hội, kết nối giao thương, phát triển sản xuất. Thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục cơ sở được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân nông thôn.

Đồng thời phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hộ dân với hợp tác xã (HTX), giữa HTX với doanh nghiệp và giữa doanh nhiệp với hộ dân; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Năm 2008, toàn TP có 23 HTX nông nghiệp với 531 thành viên, nay có 108 HTX với 2.267 hộ. 

Khắc phục bất cập 

Năm 2016, TPHCM tổng kết giai đoạn 1 và chuyển qua giai đoạn nâng chất NTM, ngoài những giải pháp chung được áp dụng cả nước, TP xây dựng bộ tiêu chí đặc thù cao hơn so với chỉ tiêu cả nước, cũng như thực hiện các giải pháp riêng phù hợp với đặc điểm khu vực nông thôn TP, tạo ra bộ mặt NTM hiện đại, bền vững, giữ được nét đẹp truyền thống.

Đã xuất hiện nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao như rau sạch có doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm (cá biệt, rau xà lách thủy canh đạt 8 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan bình quân đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm, cá cảnh nuôi ao đạt 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm (nuôi hồ kính nhiều tầng đạt 10 - 15 tỷ đồng/ha/năm).

Đồng thời, TPHCM cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, dù TP hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn sản xuất nhưng người dân, HTX vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng công trình phụ trợ (nhà xưởng, nhà sơ chế...) trên đất nông nghiệp.

Cần đơn giản hóa thủ tục để bà con có thể đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sản xuất với chất lượng cao, hàng hóa dồi dào.

Nhưng điều quan tâm thời gian tới, theo ông Cao Thanh Bình, là cảnh quan môi trường nông thôn, một bộ phận người dân chưa ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, rác thải bừa bãi, tình trạng thả rong gia súc, gia cầm.

Khó khăn hơn là tình trạng doanh nghiệp xen cài trong khu dân cư, xả thải ra môi trường hay tình trạng ô nhiễm các dòng sông, kênh rạch do nước thải từ các khu công nghiệp thải ra chưa qua xử lý. Điều này nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục