Khu căn cứ cách mạng Chợ Đệm (Bình Chánh) cũ gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp giữa thế kỷ trước hôm nay đã thay da đổi thịt. Những con đường đất đỏ năm nào giờ đã thành đường nhựa rộng thênh thang tấp nập xe cộ ngược xuôi. Với đề án xây dựng nông thôn mới, nông dân nơi đây đang làm giàu trên mảnh đất bưng biền ngày nào.
Ký ức một thời
Đến xã Tân Kiên (Bình Chánh) vào dịp cuối năm 2011, chúng tôi may mắn gặp được cụ Kiều Tùng Mậu, nguyên là Phó ban Bình dân học xã Tân Kiên sau khi đất nước giành độc lập. Dù đã hơn 90 tuổi nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, nhất là khi được hỏi ký ức về những ngày toàn quốc kháng chiến cách đây 65 năm.
Cụ hào hứng kể: “Hồi đó, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, người dân Tân Kiên bắt tay ngay công việc mới mà tổ chức và cách mạng giao như bảo vệ trị an, bãi bỏ các loại thuế thân, cấm cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của địa chủ vắng mặt… Đặc biệt, phong trào bình dân học vụ, diệt giặc dốt diễn ra khắp nơi. Tại hội sở, đình chùa, từng nhà dân trong xóm ấp, các em nhỏ, cụ già đều say mê học chữ…
Thế nhưng, niềm vui độc lập chưa đầy một tuần trăng, đêm 22-9, súng lại nổ. Người dân Nam bộ vùng lên chống lại thực dân Pháp với âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Đến cuối năm 1946, người dân Chợ Đệm đứng vào hàng ngũ cứu quốc, thi nhau làm nghĩa vụ hậu phương, góp hũ gạo, nuôi gà kháng chiến. Chiến khu Chợ Đệm lúc này trở thành căn cứ đứng chân của lực lượng kháng chiến Nam bộ với 10 Ban Công tác Thành Sài Gòn – Gia Định hoạt động”.
Nói về những tháng năm hào hùng đó, ông Phan Văn Mén (Bảy Mén), người chiến sĩ cách mạng hơn 60 năm tuổi Đảng, bồi hồi nhớ lại: Hồi đó, Tân Kiên là cửa ngõ của căn cứ Láng Le – Vườn Thơm đi vào nội thành và ngược lại. Thanh niên, trẻ em hào hứng đào đường, đắp cảng, đắp ụ trên sông, đào giao thông hào, dựng chiến lũy, lập chướng ngại vật để ngăn giặc Pháp tấn công vào căn cứ của ta ở Tân Kiên.
Lúc đó, trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đóng ở nhà anh Bảy Thọ (ấp 4), các tờ báo “Kèn gọi lính”, “Chống xâm lăng” và “Chiến thắng” đều đóng tại xã Tân Kiên. Đặc biệt, nhiều nhà dân ở đây đã nuôi giấu, che chở các đồng chí lãnh đạo trung ương như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… trong những năm kháng chiến.
Thay da đổi thịt
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất bưng biền kháng chiến ngày nào giờ đang thay da đổi thịt. “Con đường hoạt động cách mạng ngày nào giờ đã trở thành con đường nhựa rộng trải dài láng mịn, 2 bên đường nhà cửa mọc lên san sát. Đường cao tốc Trung Lương, quốc lộ 1A đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch của cả nước. Xã vừa khánh thành thêm một trường tiểu học mới với tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng”, ông Bảy Mén vui mừng cho biết. Tốc độ đô thị hóa rất nhanh, các hành lang thương mại - dịch vụ dọc theo đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Trí, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Cửu Phú...
Tại xã Tân Kiên, hàng loạt dự án mới được đầu tư trên địa bàn như khu dân cư Tân Tạo 21 ha, chung cư 584, khu dân cư Hồ Bắc, Đại học Hùng Vương, Bệnh viện Nhi TPHCM, cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện và kết nối. Người dân đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi để xây dựng xã nông thôn mới theo đúng lộ trình. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đã hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu người dân. Tỷ lệ hộ nghèo đang phấn đấu đến cuối năm giảm xuống còn khoảng 2%... “Dân cư ngày một đông đúc, sầm uất, các ngành nghề dịch vụ thương mại từ đó cũng phát triển. Công ty, xí nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ riêng ở địa phương mà còn nhiều lao động ở những nơi khác đến”, ông Ngô Công Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc bày tỏ.
Chúng tôi đi sâu vào con đường trung tâm xã nông thôn mới Tân Nhựt được tráng nhựa phẳng lỳ. Đến nay, Tân Nhựt đã hoàn thành được 11/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, dự kiến đến hết năm sẽ hoàn thành tiếp thêm 2 tiêu chí về chợ và môi trường. “Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng nông thôn mới mà diện tích đất lúa kém hiệu quả nay được chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế hơn. Nhờ vậy mà đời sống người nông dân hiện nay không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình”, anh Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt phấn khởi cho biết.
HỒ THU