Đổi thay giao thông nông thôn

Sau 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở 6 xã thí điểm tại TPHCM, cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã làm cho bộ mặt giao thông có những đổi thay.
Đổi thay giao thông nông thôn

Sau 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở 6 xã thí điểm tại TPHCM, cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã làm cho bộ mặt giao thông có những đổi thay.

  • Thay “áo mới” cho những con đường, tuyến hẻm

Không phải ngẫu nhiên trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề giao thông đứng ở vị trí thứ 2. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Nhận thức được tầm quan trọng này, trong những năm qua chính quyền địa phương và người dân ở các xã xây dựng chương trình nông thôn mới ở TPHCM đã nỗ lực thực hiện việc làm đường, mở hẻm tạo cho diện mạo, bộ mặt của địa phương khang trang hơn.

Tuyến đường liên xã Long Thới - Nhơn Đức, huyện Nhà Bè được xây dựng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Tuyến đường liên xã Long Thới - Nhơn Đức, huyện Nhà Bè được xây dựng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Trong những ngày đầu tháng 12, chúng tôi trở lại những xã thí điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như: Nhơn Đức (Nhà Bè), Tân Nhựt (Bình Chánh)… được tận mắt chứng kiến sự đổi thay rõ rệt ở những con đường, tuyến hẻm chạy dọc các khu dân cư.

Đơn cử như: Tuyến đường liên xã Long Thới-Nhơn Đức (Nhà Bè), đường đê Bà Tỵ số 2 và 3 ở xã Tân Nhựt (Bình Chánh)… trước đây là những con đường đất đỏ, nhỏ hẹp với cảnh nắng bụi, mưa lầy, nhưng nay đã trở thành những con đường bê tông, nhựa rộng rãi, phẳng lì xe cộ lưu thông ngược xuôi thuận lợi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nhơn Đức cho biết, trước khi có đề án xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn xã có tuyến đường liên xã bằng đất đỏ, nhỏ hẹp với dài gần 4km và 33 tuyến hẻm có bề rộng dưới 2m. Sau khi đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt, toàn xã đã thực hiện 22 công trình giao thông gồm 1 tuyến đường liên xã Long Thới-Nhơn Đức và 21 tuyến hẻm được mở rộng từ 2m lên 6m với tổng vốn đầu tư 52,190 tỷ đồng.

Đến nay, công trình đường liên xã Long Thới-Nhơn Đức đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010; 3 hẻm, đang thi công 16 hẻm, đang thẩm định 2 hẻm. Tương tự, tại xã Tân Nhựt vốn là một xã nghèo của thành phố và huyện. Trước khi có đề án xây dựng nông thôn mới, xã quản lý 46 tuyến đường và hẻm, trong đó đa số các tuyến hẻm có bề rộng chỉ từ 1 đến 3m.

Sau khi đề án xây dựng nông thôn mới được triển khai, toàn xã thực hiện 37 công trình giao thông, đến nay có 24 công trình được tráng nhựa và mở rộng từ 4 đến 6m, số còn lại đang trong quá trình thi công và dự kiến đưa vào sử dụng sau Tết Nguyên đán.

  • Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Việc các tuyến đường và hẻm được nâng cấp mở rộng từ chương trình xây dựng nông thôn mới tại 6 xã thí điểm ở TPHCM không những làm thay đổi bộ mặt của địa phương mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Thành Chung, cán bộ giao thông thủy lợi xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh chia sẻ: “Việc nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông đã tạo thuận lợi trong việc đi lại phục vụ sản xuất, giao thông giữa thôn ấp, liên xã, vùng được thông suốt, đời sống vật chất tinh thần nhân dân được nâng lên. Chẳng hạn, hồi xưa đường đất, nhỏ hẹp đến mùa thu hoạch nông-thủy sản, người dân phải đưa đi nhập ở các vựa thu mua của thương lái. Nhưng từ ngày đường sá được tráng nhựa, mở rộng các thương lái cho xe tải chạy vào tận nơi thu mua tạo thuận lợi cho người dân. Không những vậy, đường sá mở rộng khang trang cũng làm cho giá cả đất đai tăng lên”.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nhơn Đức, cho biết: “Sau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, đã tạo động lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của xã”.

Không những vậy, việc nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông nông thôn cũng đã tạo sự đồng thuận lớn của người dân.

Cô Chư Kim Vân, ngụ ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè vui mừng: “Từ ngày con đường liên xã Long Thới-Nhơn Đức được nâng cấp, mở rộng, việc đi lại, buôn bán của người dân thuận tiện hơn nên bà con ai cũng mừng vì không phải chịu cảnh ngập nước lênh láng do mưa và triều cường”. 

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục