Đổi thay ở Đăk Nhoong

Theo chân trung úy Nguyễn Hữu Cường - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn biên phòng Đăk Nhoong, chúng tôi đến Đăk Ga thuộc xã Đăk Nhoong. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, anh A Thắng, Bí thư chi bộ thôn Đăk Ga, cho biết: Làng Đăk Ga hiện có 75 hộ với 281 nhân khẩu nhưng đến nay chỉ còn 24 hộ nghèo theo tiêu chí mới...

Theo chân trung úy Nguyễn Hữu Cường - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn biên phòng Đăk Nhoong, chúng tôi đến Đăk Ga thuộc xã Đăk Nhoong. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, anh A Thắng, Bí thư chi bộ thôn Đăk Ga, cho biết: Làng Đăk Ga hiện có 75 hộ với 281 nhân khẩu nhưng đến nay chỉ còn 24 hộ nghèo theo tiêu chí mới...

Anh A Thắng và trung úy Cường dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trong làng. Trước mắt tôi, những ngôi nhà cấp 4 mái lợp ngói, lợp tôn mọc lên san sát. Bí thư A Thắng cho biết: Năm 2007, Bộ đội Biên phòng Kon Tum xây dựng “mô hình điểm” giúp dân thôn Đăk Ga phát triển kinh tế xã hội. Ông A Em, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, cho biết: Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp dân ở xã, Đồn biên phòng Đăk Nhoong còn giúp địa phương thực hiện mô hình “Trại chăn nuôi tập trung” tại các thôn làng trong xã; hỗ trợ kinh phí, ngày công xây dựng 25 nhà đại đoàn kết cho các gia đình nghèo ở địa phương; quyên góp gần 73 triệu đồng xây dựng đường bê tông liên thôn tại làng Đăk Ga. Trong năm 2012, bộ đội biên phòng đã hỗ trợ 14.500 cây bời lời giống; hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc bời lời. Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại, Đăk Nhoong đã phát triển được hơn 110ha ruộng nước hai vụ; gần 300ha đất trồng các loại cây nông nghiệp như sắn, ngô. Đặc biệt, từ việc người dân chỉ biết phát rẫy làm nương, nay Đăk Nhoong đã phát triển được gần 340ha bời lời. Từ một xã tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, đến nay Đăk Nhoong đã có trên 70% số hộ có mức thu nhập bình quân từ 40 đến 45 triệu đồng/năm. Điển hình là gia đình Y Xanh, có mức thu nhập trên 55 triệu đồng.

Có một điều đặc biệt là Đăk Ga hiện đang trở thành làng duy nhất trên biên giới không sinh con thứ ba. Trung úy Nguyễn Hữu Cường trao đổi: Những năm trước, với suy nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ” nên cuộc sống của họ cứ chìm sâu trong  cái đói, cái nghèo do con đông. Nhưng hiện tại, Đăk Ga là địa phương dẫn đầu của huyện, của tỉnh về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Đăk Ga không có trường hợp nào sinh con thứ ba...

Trò chuyện với tôi, anh A Hưng (SN 1977) cho biết: “Ngay từ khi xây dựng gia đình, vợ chồng mình bàn bạc với nhau chỉ sinh 2 con thôi. Bây giờ đứa lớn đã 11 tuổi, tên là A Hòa, đang học lớp 5; đứa thứ hai hơn 5 tuổi. Nhờ sinh chỉ 2 con nên gia đình mới có đủ tiền mua sắm quần áo cho chúng mặc; đủ tiền mua gạo cho chúng ăn; mua sách vở, giấy bút cho chúng học hành”. Chia tay vợ chồng A Hưng - Y Chỉ, chúng tôi đến thăm vợ chồng A Phăng - Y Nga. Mặc dù vợ chồng này mới sinh con một bề (hai cháu gái), nhưng Y Nga vẫn một mực không sinh thêm đứa nữa. Trò chuyện với tôi, Y Nga khẳng định: “Tuy vợ chồng mình mới có hai cháu gái, nhưng mình chỉ sinh hai con thôi. Sau này chúng lớn lên, mình nuôi 2 đứa ăn học đầy đủ là được rồi”...

Nói về nhiệm vụ của đội, Nguyễn Hữu Cường cho biết: Đội Vận động quần chúng được giao nhiệm vụ giúp dân ở 5 làng thuộc xã Đăk Nhoong. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cán bộ chiến sĩ của đội thường xuyên bám bản; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với già làng, trưởng thôn, chi hội phụ nữ... Quả thật, khi được chứng kiến những đổi thay nơi biên giới Đăk Nhoong, chúng tôi lại hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Họ đã góp phần quan trọng đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu giữa vùng núi thẳm Trường Sơn.

Trần Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục