Đổi thay ở một vùng đất

Nhớ mùa thu xưa

Ngày 31-8, ngay tại vùng đất Chợ Đệm xưa, nay thuộc thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM), Huyện ủy Bình Chánh đã trọng thể làm lễ mít tinh kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9. Cái tên Chợ Đệm lại được nói đến bằng tất cả tình cảm thân thương của nhân dân TPHCM.

Nhớ mùa thu xưa

Tân Túc nằm về phía Tây Nam của huyện Bình Chánh, xưa kia là một xã nông nghiệp nhưng lại có đầu mối thương nghiệp là Chợ Đệm. Nơi đây, ngay từ những ngày đầu Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đồng bào Chợ Đệm đã nổi dậy chống sưu cao thuế nặng, đấu tranh trước ách áp bức bóc lột của điền chủ.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân Chợ Đệm hăng hái đứng dậy đấu tranh bất chấp những trận đàn áp cực kỳ tàn bạo của quân thù. Đặc biệt, trong những ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945 lịch sử, Chợ Đệm là nơi Xứ ủy Nam kỳ họp 2 hội nghị quan trọng để quyết định ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn. Những trang sử hào hùng ấy là nét son ngời sáng và luôn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Chợ Đệm.

Bác Nguyễn Tấn Muôn, người cán bộ lão thành cách mạng, cho biết: “Miền đất này có truyền thống cách mạng lâu đời. Nhân dân ở đây có khí thế đấu tranh rất sôi nổi. Mình ở lùm, ở bụi thì đồng bào đem cơm cho mình. Đồng bào đem cả thuốc hút, vật dụng, nước, cơm trong yếm cỏ để nuôi nấng mình”.

Từ những năm kháng Pháp gian lao đến những ngày chống Mỹ oai hùng, đồng bào thuộc “vành đai đỏ” này đều một lòng theo Đảng, một lòng quyết chiến giữ gìn từng tấc đất.

Chợ Đệm hôm nay

32 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xã nghèo Tân Túc ngày xưa giờ đã khoác trên mình màu áo mới. Không còn hình ảnh con đường đất và những cây cầu khỉ gập ghềnh. 100% cầu nông thôn đều đã được bê tông hóa, 100% đường nông thôn cũng được trải nhựa. Gần đây, Tân Túc còn được đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục, khu trung tâm văn hóa quy mô với sức chứa 700 chỗ ngồi, sân tập luyện thể dục thể thao.

Từ khi xã Tân Túc được đổi thành thị trấn, hàng loạt cơ sở sản xuất mọc lên. Tuy nhiên, xen lẫn trong niềm vui của sự đổi mới, vẫn còn đó những trăn trở. Hàng loạt cơ sở sản xuất lớn nhỏ mọc lên tại Tân Túc đã kéo theo dòng người nhập cư đông đúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Cũng từ quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp, các dự án chưa có quy hoạch chi tiết gây khó khăn cho đời sống bà con nông dân.

Năm 2007, tổng số hộ nghèo của Tân Túc là 152 hộ/3909 hộ trong đó 108 hộ cần được vay vốn và 6 hộ cần được cất nhà tình thương. Kế hoạch đến tháng 12-2007, Tân Túc sẽ không còn hộ nghèo. Tân Túc-Chợ Đệm, vùng quê một thời dạt dào tiếng sóng của những dòng sông ngày đêm đưa tiễn người đi kháng chiến, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Sau ngày 2-9-1945, thực dân Pháp ở Sài Gòn được quân Anh hậu thuẫn bắt đầu ra mặt khiêu khích. Đêm 22-9, Pháp chiếm trụ sở Ủy ban Hành chánh Nam bộ và ngay sáng 23-9 sau nhiều giờ thảo  luận rất căng thẳng, các đồng chí Trần Văn Giàu, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Hà Huy Giáp, Phạm Văn Bạch, Ngô Tân Nhơn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng đã ra lời kêu gọi: “Tất cả đồng bào già trẻ, trai gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Hỡi đồng bào, hỡi anh em binh sĩ, hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đổi thực dân Pháp cứu nước…”. Và ngay những ngày đầu kháng chiến, Chợ Đệm đã đóng góp 1.000 heo bò, 100 tấn lương thực và hàng trăm người con kháng chiến.

Minh Anh - Thu Thảo

Tin cùng chuyên mục