Khi tổ chức hội nghị người lao động hoặc đối thoại, nhiều doanh nghiệp lo lắng vì nghĩ công nhân (CN) chỉ đòi hỏi quyền lợi mà không có những đóng góp thiết thực cho công ty. Nhưng thực tế khác hẳn, khi đối thoại, CN nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn và các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, qua đó đã đóng góp nhiều ý kiến gỡ khó cho đơn vị. Điều đó được chứng minh tại Hội nghị người lao động của Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (gọi tắt là công ty) vừa tổ chức mới đây.
Công nhân Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn góp ý tại hội nghị người lao động.
Ngay từ lời mở đầu, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty đã làm sôi động hội nghị với lời bày tỏ: “Kể từ ngày 16-3-2015, giá điện tăng 7,5%, đồng nghĩa với việc mỗi năm công ty tăng chi phí cho tiền điện gần 1 tỷ đồng. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến thu nhập của anh em. Vì thế, chúng tôi muốn nghe những đóng góp, hiến kế để tăng năng suất, tiết kiệm điện, giảm chi phí cho công ty”.
Khi tổng giám đốc vừa dứt lời, lập tức có rất nhiều CN hiến kế để giảm tiêu hao điện cho công ty. Từ việc đề nghị các xưởng sản xuất hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm đến không nên mở đèn ở các dãy hành lang tiếp nhận, kho lạnh, văn phòng nếu không có xuất nhập hàng hoặc sản xuất…
Có ý kiến đề nghị đội vận hành, sửa chữa có chế độ kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện những máy móc, thiết bị quá cũ, làm tiêu tốn nhiều điện năng để báo cáo ban giám đốc có hướng xử lý phù hợp; thường xuyên theo dõi các tủ cấp đông, máy băng chuyền trong thời gian đông để sản phẩm ra đủ nhiệt độ và thời gian, tránh để xảy ra tình trạng yếu độ, phải chạy thêm giờ sẽ phát sinh thêm tiền điện, tiền công, giảm năng suất lao động. Nhiều CN còn góp ý về việc phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho công ty, từ chuyện nâng chất lượng sản phẩm tiêu thụ trong nước đến việc nghiên cứu hoạt động nuôi trồng, đảm bảo về yêu cầu về chất lượng và số lượng đáp ứng hoạt động xuất khẩu.
Ông Trương Tiến Dũng bày tỏ: “Tôi rất mừng khi tất cả CN xem công ty là mái nhà chung, chia sẻ mọi khó khăn và hết lòng hiến kế để cùng nhau vượt khó”. Bà Phạm Nguyệt Ánh, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết: “Năm 2014, công ty gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh và nhiều người lao động đã hiến kế như cần sửa chữa nâng cấp nhà xưởng bộ phận nào, cải tiến vận hành, sắp xếp kho, cải tiến quy trình nuôi trồng… Sau đó, hoạt động của công ty được cải thiện đáng kể, có thêm nhiều khách hàng, sản lượng tăng. Thu nhập của người lao động trong 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10-2014) tăng rõ rệt, trong đó có CN trực tiếp thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng”.
HỒNG HẢI