Ngày 14-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội), ngay trước phiên bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ gồm: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi gặp gỡ và đối thoại với các đại biểu tham dự đại hội.
Tại buổi đối thoại, những vấn đề bức xúc của thanh niên hiện nay như việc làm, cơ hội cống hiến... đã được trao đổi thẳng thắn.
Những câu hỏi “nóng” đầu tiên đặt ra cho Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều xoay quanh vấn đề làm thế nào để đào tạo, khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho đất nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đại biểu Bùi Thế Duy, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đã chia sẻ một tâm trạng khá phổ biến của những người cảm thấy tiếc nuối khi tình trạng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra khi rất nhiều lưu học sinh Việt Nam rất “ngại” về nước trong khi đất nước lại đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao này: “Là một lưu học sinh đã tốt nghiệp ở nước ngoài về nước làm việc cũng như một người thầy đã có nhiều học sinh đi du học, tôi quan tâm đến việc kêu gọi bạn bè, học sinh của mình về nước cống hiến. Thế nhưng, ngoài trở ngại về chế độ thu nhập còn khó khăn, nhiều lưu học sinh còn lo ngại về nước có được trọng dụng để giao việc hay chỉ “để trưng bày”, cất vào ngăn tủ”.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đất nước đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự.
Bên cạnh việc tập trung sức để phát triển giáo dục đào tạo các cấp học trong nước, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, trong đó có khoảng 100.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập ở các nước. Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích để đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học tập ở nước ngoài về để góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế, có những điều kiện vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của một số trí thức được đào tạo cao, sâu, ở một số chuyên ngành. Đây là điều mà Chính phủ đã thấy và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, đặc biệt là những trí thức sau khi học tập ở nước ngoài về nước làm việc, vừa cho bản thân, cho gia đình mình vừa đóng góp cho đất nước. Hiện Chính phủ đang rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi: “Tôi cũng mong rằng mọi công dân, đồng bào ta, anh chị em sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng chia sẻ với đất nước mình, với Tổ quốc mình”.
Tham gia trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: “Trung ương Đoàn đã có sáng kiến thành lập tổ chức tập hợp hội sinh viên ở nước ngoài, tôi cho rằng hội nên cùng các cơ quan chính phủ giới thiệu sinh viên về các đơn vị trong nước, như các khu công nghệ cao, các trường đại học Việt Đức, Công nghệ Hà Nội... các trường này dạy theo chương trình các đại học Đức, Pháp. Đây là nơi thu hút rất tốt các tiến sĩ từ nước ngoài về giảng dạy”.
Cũng tại cuộc đối thoại này, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi thể hiện mối quan tâm lớn của thanh niên hiện nay, đó là làm thế nào để thanh niên phát huy tốt vai trò của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thế nào để thanh niên có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế… Các đại diện Chính phủ đã có những câu trả lời thấu đáo hoặc gợi mở cho các đại biểu trẻ. Đặc biệt, Chính phủ đánh giá rất cao Trung ương Đoàn vừa qua đã đưa ra đề án Đoàn Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai đề án này, Trung ương Đoàn sẽ đưa ra những mục tiêu, chương trình để chung tay xây dựng nông thôn mới. Sắp tới, Trung ương Đoàn cần có kiến nghị với Đảng, Chính phủ những chính sách mới để Trung ương Đoàn tham gia thiết thực, hiệu quả hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, khẳng định bản thân, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tại buổi đối thoại này, Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng của thế hệ trẻ, “Những vấn đề các bạn đưa ra không chỉ là những nguyện vọng, mong muốn chính đáng, những điều băn khoăn, trăn trở, mà còn là những ý tưởng, những gợi mở rất đáng quan tâm để chúng tôi cân nhắc trong quá trình lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
| |
B.QUYÊN