Chuyện nuôi nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: Bắt đầu có manh mối

QUỐC LẬP

(SGGP).- Ngày 11-3, liên quan tới câu chuyện hy hữu nuôi nhầm con suốt 42 năm qua ở Hà Nội, Công an quận Ba Đình đã vào cuộc để tìm lại cha mẹ đẻ cho chị Tạ Thị Thu Trang (42 tuổi, ở số 75, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) và tìm con gái ruột của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, cũng ở số 75, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) là người bị trao nhầm con sau khi sinh ở nhà hộ sinh Ba Đình vào ngày 10-10-1974.

Theo đó, sau khi tiến hành sàng lọc tàng thư của Công an Hà Nội, đơn vị chức năng Công an quận Ba Đình đã có trong tay danh sách tới 600 phụ nữ sinh cùng ngày 10-10-1974. Bước đầu, đại diện Công an quận Ba Đình đã đến gia đình chị Trang để gặp gỡ, trao đổi cụ thể các vấn đề liên quan. Tuy nhiên do trên tàng thư thông tin chỉ ghi ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh chung là ở Hà Nội, chứ không ghi cụ thể nơi sinh là nhà hộ sinh nào nên việc rà soát, xác minh từng người phải cần thời gian. Xác định đây là vấn đề quan trọng và mang tính nhân đạo, nên Công an quận Ba Đình đang tập trung lực lượng cho việc rà soát, xác minh và tìm hiểu về số phụ nữ trên, để tìm ra và thu hẹp dần danh sách những người có các thông số trùng khớp với bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang. Sau đó sẽ bố trí để những người có liên quan gặp gỡ, tìm hiểu và có thể xét nghiệm ADN cho chính xác.

Tìm đến gia đình chị Trang, trên những giấy tờ mà gia đình cho xem, chúng tôi được biết, vào ngày 10-10-1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh số 12 phố Lê Trực (khi đó có địa chỉ ở phố Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội). Khi sinh nở, bà Hạnh được đánh số thứ tự là 33 nhưng trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ lại là 32. Đem thắc mắc của mình hỏi y tá thì bà Hạnh chỉ nhận được câu trả lời: “Trẻ cho đi tắm nên bị mờ số nhưng đây chắc chắn là con của chị...”. Mặc dù vậy, bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn con giữa hai gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện nhưng không mang lại kết quả. Sau đó, bà Hạnh vẫn cùng chồng đem đứa trẻ về nuôi và hết lòng chăm sóc, yêu thương, đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Thời gian trôi qua nhưng nỗi day dứt về việc thất lạc đứa con đẻ vẫn không nguôi ngoai, năm 1998, bà Hạnh quyết định âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ.

Vào tháng 10-2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh đã quyết định nói ra sự thật với hy vọng chị Tạ Thị Thu Trang có thể tìm được bố mẹ ruột thịt của mình và cũng để bản thân được thanh thản hơn.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục